Quảng Ninh tiếp tục chủ động trong tinh giản biên chế ngành giáo dục
Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ Quảng Ninh cho biết: “Năm 2019 là năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ tinh giản bộ máy, biên chế, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh nhà, năm học 2018-2019 tiếp tục sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các trường và đã giảm 6 trường, 41 điểm trường, 33 lớp;
Đồng thời chuyển đổi mô hình một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ra ngoài công lập; thực hiện lộ trình từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn đối với các trường công lập có điều kiện, khả năng tự chủ.
Bên cạnh đó là cơ cấu lại trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên theo hướng chuyển nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề ở một số địa bàn có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Về tình hình triển khai xây dựng Đề án 21 đối với hệ thống cơ sở giáo dục công lập đến năm 2021 có 1 địa phương không đề xuất giảm trường, lớp; 9 địa phương đề xuất giảm 38 trường trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập; 5 địa phương đề xuất tăng 506 giáo viên, nhân viên do số lượng học sinh tăng...
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương liên quan đã nêu rõ kế hoạch triển khai Đề án 21 của đơn vị mình. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, bất cập và đề xuất liên quan đến quy mô trường, lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từ bậc học mầm non đến THPT do số lượng học sinh tăng...
Cũng tại hội nghị, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy chỉ đạo các địa phương rà soát nội dung Đề án 21 và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Đồng thời tiếp tục quản lý khai thác, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, hợp đồng, giáo viên;
Đến năm 2021, Quảng Ninh giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. |
Bên cạnh đó thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo hướng tinh giản để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, hướng tới mục tiêu cao nhất là vì học sinh.
Các địa phương quản lý, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tăng cường xã hội hóa, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ngành Giáo dục cần xây dựng đề án và lộ trình cụ thể chuyển đổi mô hình hoạt động một số đơn vị sự nghiệp công lập ở địa bàn thuận lợi, có khả năng, điều kiện thực hiện xã hội hóa sang mô hình ngoài công lập theo hướng chất lượng cao.
Trước đó, bà Vũ Liên Oanh- Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông tin “Sau gần 3 năm tiến hành việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, ngành giáo dục, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã giảm hơn 1.000 người làm việc trong các cơ sở giáo dục”, bà Vũ Liên Oanh cho hay.
“Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế trong phạm vi toàn tỉnh, ngay từ năm 2014 cùng với các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã xây dựng đề án đổi mới phương thức, nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện tinh giản bộ máy biên chế”.
Một số giải pháp để tinh gọn bộ máy tinh giản biên chế đó là: Sắp xếp hợp lý theo hình thức dồn ghép, sáp nhập các trường, điểm trường có quy mô nhỏ lẻ ở gần nhau; Thực hiện kiêm nhiệm một số vị trí nhân viên phục vụ như văn thư, thủ quỹ, thư viện…
"Dùng chung nhân viên kế toán, nhân viên y tế trường học trong các trường gần nhau; Đào tạo lại giáo viên, nhân viên dôi dư sau khi sắp xếp cũng như bố trí việc làm mới Bố trí giáo viên cùng một lúc dạy nhiều trường để khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ", bà Oanh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh cũng cho biết thêm: “Bên cạnh việc triển khai quyết liệt, chúng tôi cũng có đánh giá thật kỹ tác động của việc sắp xếp, tinh giản - đặc biệt là những tác động không mong muốn để có giải pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục như:
Sự an toàn của trẻ khi đi học xa hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ hoặc qua khu vực nhiều sông suối, hiểm trở, vắng người; sự an toàn của giáo viên khi di chuyển giữa các trường, điểm trường; chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo lại nhân viên, giáo viên để bố trí vào vị trí làm việc mới hoặc vị trí kiêm nhiệm; việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất còn lại của điểm trường sau khi dồn ghép”.