Quảng Ngãi: Ưu tiên đầu tư bưu chính cho vùng sâu, vùng xa
Diện tích Quảng Ngãi tuy rộng nhưng địa hình bị chia cắt, chủ yếu là đồi núi, gây khó khăn cho việc phát triển mạng lưới bưu chính, đặc biệt là mạng vận chuyển bưu chính vào mùa mưa. Hiện toàn tỉnh có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 16 dân tộc thiểu số như Hrê, Cor, Ca Dong…
Tính đến nay, toàn tỉnh có 205 điểm phục vụ bưu chính công cộng, trong đó có 2 bưu cục cấp 1 đặt tại TP. Quảng ngãi, 15 bưu cục cấp 2, 17 bưu cục cấp 3, 154 điểm bưu điện văn hóa xã. Hệ thống bưu chính từng bước được mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của địa phương.
![]() |
Quảng Ngãi sẽ ưu tiên đầu tư phát triển bưu chính cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh. |
Với địa hình khá phức tạp, miền núi chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tỉnh Quảng Ngãi xác định rõ trong dự thảo Quy hoạch phát triển bưu chính tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là sẽ ưu tiên đầu tư phát triển bưu chính cho vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh.
Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh là phát triển bưu chính đi đôi với đảm bảo an ninh – quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin; Đặc biệt coi trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; Phát triển bưu chính gắn kết với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, phù hợp với thế trận quốc phòng toàn dân và đảm bảo an ninh quốc phòng;
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Bán kính phục vụ bình quân đạt 2,5 km/điểm phục vụ, dân số phục vụ bình quân đạt 5.700 người/điểm phục vụ; Xây dựng mới 9 điểm bưu điện văn hóa xã (trong đó có 5 xã thuộc các huyện miền núi gồm Ba Giang – Ba Tơ, Trà Thọ - Tây Trà, Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Màu – Sơn Tây); 100% nhu cầu về dịch vụ bưu chính của người dân được đáp ứng; 100% các điểm bưu điện văn hóa xã là các điểm đa dịch vụ.
Đến năm 2025, quy hoạch lại hệ thống điểm bưu điện văn hoá xã theo hướng ngừng các điểm hoạt động không hiệu quả, chú trọng nâng cấp các điểm hoạt động hiệu quả, tiếp tục tăng cường đầu tư duy trì các điểm tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Bán kính phục vụ bình quân 2,3km/điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân 5.400 người/điểm phục vụ. Đảm bảo 100% số xã có báo Nhân dân và báo Quảng Ngãi đến trong ngày. Tăng tần suất vận chuyển lên 4 chuyến/ngày đối với huyện miền núi và 5 tuyến/ngày đối với huyện đồng bằng.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chú trọng hiện đại hóa mạng bưu cục, kết nối mạng tin học bưu chính các điểm phục vụ, triển khai một số thiết bị tự động. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bưu chính phục vụ việc định vị và truy tìm bưu phẩm, bưu kiện… Triển khai công nghệ mã vạch, chuẩn hóa các loại bao bì bưu chính. Ứng dụng công nghệ đổi mới hệ thống quản lý, khai thác để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành dịch vụ.