Quảng Nam: Phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số
Từ nay đến năm 2020, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa: ALăng Ngước) |
Quyết định này nhằm tập trung hỗ trợ, đầu tư nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để giải quyết những vấn đề khó khăn bức xúc về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn vay tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng như các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đề án đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh 7%/năm. Đồng thời giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên 80%. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, từ năm 2018-2020, tỉnh sẽ giải quyết bố trí sắp xếp dân cư gắn với ổn định sản xuất cho 4.439 hộ; hỗ trợ 1.840 ha đất sản xuất cho 2.730 hộ; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 11.456 hộ; hỗ trợ tạo nguồn nước sinh hoạt đủ phục vụ đời sống 10.208 hộ và hỗ trợ 14.186 hộ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là hộ đồng bào DTTS nghèo (kể cả hộ chỉ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (kể cả người dân tộc kinh) ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi gồm những người chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung, hoặc là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 2.730 hộ. Trong đó 1.962 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí thực hiện là 27 tỉ đồng, đa phần từ ngân sách trung ương.
Về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tỉnh sẽ thực hiện ở 11.456 hộ, trong đó 10.201 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh phí cho hoạt động này là 57 tỉ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ đất ở cho 4.439 hộ, trong đó 4.099 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tổ chức thực hiện, tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch vốn, kinh phí của từng cấp ngân sách hàng năm để thực hiện các mục tiêu hỗ trợ gồm: chính sách hỗ trợ hộ nghèo chưa có hoặc thiếu đất sản xuất; nước sinh hoạt phân tán; thanh toán nợ khối lượng hoàn thành và đầu tư mới tại các điểm định canh, định cư.
Ban Dân tộc cũng cần phối hợp với các địa phương liên quan tham mưu, phân bổ nguồn vốn, kinh phí bổ sung có mục tiêu của Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời Ban Dân tộc có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, và theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện theo định kỳ hoặc đột xuất cho UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan theo quy định.
Trong khi đó Sở Tài chính được tỉnh yêu cầu phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bố trí dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện kế hoạch sắp xếp lại dân cư, trong đó ưu tiên bố trí cho hộ nghèo là đồng bào DTTS chưa có đất ở hoặc thiếu đất ở theo quy định.
Ngoài ra Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Nam cần xây dựng kế hoạch vốn cần cho vay hàng năm báo cáo Ngân hàng Chính sách Việt Nam và căn cứ chỉ tiêu kế hoạch giao phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu phân bổ, tổ chức cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời theo quy định; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả cho vay gửi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp báo cáo chung.