Phòng chống buôn bán người thông qua pháp luật người VN đi làm việc ở nước ngoài
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến cho người lao động. Nước ta đã hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 1980. Từ năm 1991 đến nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế thị trường, Nhà nước chủ yếu làm chức năng quản lý, mở thị trường các doanh nghiệp ký kết hợp đồng và trực tiếp đưa, quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
![]() |
Người Việt Nam xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương đúng đắn này của Đảng và Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức đường dây xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhưng thu phí dịch vụ rất cao hoặc bán lại các nhóm lao động xuất khẩu này cho các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức thu phí môi giới lao động.
Nhằm tránh những vấn đề phát sinh như trên, thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia và chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 1999 đến nay, song song với công tác xúc tiến tìm kiếm thị trường, công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh.
Hệ thống văn bản pháp lý đã được pháp điển hoá (thành luật) và tính đến thời điểm hiện nay, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chịu sự điều chỉnh của các văn bản chủ yếu sau:
- Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực từ 01/7/2007);
- Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
- Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Quyết định số 20/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 02/8/2007 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
- Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành “Quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài”;
- Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Pháp luật hiện hành quy định rất rõ các khu vực, ngành nghề không được đưa người lao động Việt Nam đi làm việc. Các công việc được phép đưa người Việt Nam ra nước ngoài phải hoàn toàn phù hợp với thể trạng người Việt Nam, phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ nghề nhằm đảm bảo chất lượng công việc khi làm việc tại các nước khác.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc với mức xử phạt hành chính cao nhất trong lĩnh vực lao động.
Những quy định pháp luật này đang hỗ trợ không nhỏ cho công tác phòng chống buôn bán người thông qua hình thức đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.
|
|