Phát thanh gắn với tập tính sinh hoạt của người dân tộc thiểu số
Theo Giám đốc – Tổng Biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi, mặc dù được tạo điều kiện với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển, nhưng thực tế, sự phát triển ở Nghệ An nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn trong nhịp độ chậm, chưa đồng đều, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Rào cản về ngôn ngữ, mặt bằng trình độ nhận thức cũng ảnh hưởng tới sự thụ hưởng thông tin truyền thông của bà con dân tộc thiểu số.
Khảo sát của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An cho thấy, thời gian chính bà con nghe phát thanh là thời gian trên nương rẫy, nhất là trong giờ nghỉ ở các xa nam (lều lán) – thường là từ 12h – 13h30. Trong khoảng thời gian này, thường chỉ có một phương tiện duy nhất giúp bà con tiếp nhận thông tin, giải trí, đó là chiếc radio. Bởi truyền hình, báo in đều khó hiện diện ở vùng sâu, vùng xa, bản làng hẻo lánh, còn điện thoại thông minh (smartphone) và Internet vẫn còn là sản phẩm xa xỉ trong đời sống của bà con. Đây chính là lý do Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An phát sóng khung giờ 13 – 13h30 cho chương trình phát thanh tiếng dân tộc.
![]() |
Thời gian chính bà con dân tộc thiểu số nghe phát thanh là thời gian trên nương rẫy. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Khung giờ 19h30 – 20h được lựa chọn bởi một tập tính sinh hoạt khác của bà con, đó là rất nhiều vùng điện lưới chưa tới được, hoặc nếu đã có điện lưới thì rào cản ngôn ngữ, yếu tố văn hóa tiếp nhận từ các loại hình khác như truyền hình, các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, chương trình chiếu bong… rất khó thu hút bà con. Bởi sau một ngày lao động mệt mỏi, bà con có thói quen đi nghỉ khá sớm. Lúc này, chương trình tiếng dân tộc với tiếng nói gần gũi, ngắn gọn, với những thông tin bổ ích cho đời sống hang ngày qua chiếc radio là một lựa chọn tốt của bà con.
Cũng theo Giám đốc – Tổng Biên tập Nguyễn Như Khôi, trong các chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An đặc biệt yêu thích các chuyên mục khuyến nông, khuyến lâm, y tế, sức khỏe, gương người tốt việc tốt…
“Bà con cho biết họ đã học và áp dụng được nhiều mô hình phát triển sản xuất nhờ nghe đài. Những mô hình kinh tế giỏi như nuôi cánh kiến của Cụt Phò Nam, nuôi bò nhốt của Và Chồng Chớ, Lầu Xia Phỏng ở Kỳ Sơn, Quế Phong, hay mô hình vườn ươm cây giông của Lầu Nỏ Tu ở Mường Lống, nuôi cá lồng, nuôi nhím, phục hồi vịt bầu gốc Quỳ Châu, và nhiều mô hình kinh tế nông trại khác ở các bản làng vùng cao như Keng Đu, Nậm Cắn – Kỳ Sơn, Tam Hợp, Lượng Minh – Tương Dương… đã trở thành mục tiêu phấn đấu cho rất nhiều gia đình, thậm chí trở thành phong trào phát triển kinh tế ở nhiều địa phương”, ông Nguyễn Như Khôi chia sẻ.
Một trong những nội dung thiết thực nhưng rất khó cơ cấu nội dung sinh động trên sóng phát thanh tiếng dân tộc thiểu số là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Mỗi tháng một lần, chương trình tổng hợp của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An dành khoảng 15 phút thông qua các tiểu phẩm đặt hàng (phối hợp với Sở Tư pháp, ngành Văn hóa, đặc biệt là trung tâm văn hóa các huyện), giúp lồng ghép các nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số nhằm trang bị thêm kiến thức pháp luật, góp phần cải thiện đời sống ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Sóng phát thanh đã, đang và vẫn là kênh tuyên truyền quan trọng, gần gũi, thiết thực đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua các chương trình phát thanh tiếng dân tộc, bà con dân tộc thiểu số không những được tiếp cận với nguồn thông tin mới, được cập nhật mỗi ngày, mà còn phát huy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng dân trí và đời sống tinh thần cho người dân vùng cao, qua đó cùng cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”, Giám đốc – Tổng Biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An nhận định.