Phát huy vai trò các trang fanpage chính thống truyền thông chính sách
Đây là ý kiến được Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra vào chiều 28/10.
Đại biểu Minh Sinh đánh giá cao Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật giai đoạn 2022-2027 của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; và đảm bảo được khâu đầu tiên trong xây dựng, phổ biến và thực hiện chính sách pháp luật, làm rõ thêm bản chất pháp lý, bản chất xã hội, thỏa mãn điều kiện cần và đủ để cuộc sống đi vào luật và luật đi vào cuộc sống.
Đại biểu đánh giá thời gian qua, đề án này đang được Chính phủ tổ chức triển khai rất tích cực và khả quan, đã đấu tranh, ngăn chặn, phản bác ngay thông tin giả, xấu độc và kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận Nhân dân, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng thuận cao trong xã hội.
“Có thể kể đến trang fanpage Thông tin Chính phủ với lượng theo dõi tương tác của Nhân dân ngày càng cao, đã luôn đồng hành với hơi thở và tiếng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống”, bà Minh Sinh đưa ví dụ.
Cũng liên quan đến nội dung này, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá tiềm năng lớn của mạng xã hội trong truyền thông chính trị ở Việt Nam.
Dẫn chứng điều này, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang cho biết báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 do We are social và Kepios công bố đầu năm 2022 cho thấy, Việt Nam có tới 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Lượng người dùng mạng xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021).
Báo cáo cũng cho biết, thời gian trung bình người Việt sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 28 phút mỗi ngày. Con số này cũng lớn hơn nhiều so với trung bình các nước khác trên thế giới, đây là điều kiện tăng thêm cơ hội cho các nhà truyền thông chính trị tiếp cận công chúng.
Thêm vào đó, lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam chủ yếu ở độ tuổi 18-34. PGS. TS Trường Giang đánh giá đây là “độ tuổi vàng” của dân số nói chung và là độ tuổi mà truyền thông chính trị cần hướng đến. Thông qua mạng xã hội, các nhà truyền thông chính trị có thể tiếp cận được đối tượng này một cách dễ dàng, hiệu quả với chi phí thấp.
“Như vậy, với khả năng tiếp cận đông đảo nhóm công chúng trẻ, mạng xã hội đã chứng minh hiệu quả trong việc truyền thông hình ảnh các doanh nghiệp và hoàn toàn có khả năng trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động truyền thông chính sách của Chính phủ”, PGS.TS Trường Giang nhìn nhận.
Trên thực tế, ở Việt Nam những năm qua, việc sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính trị quan trọng đã trở nên phổ biến ở các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo chí. Hầu hết các cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương đều có trang fanpage.
Tuy vậy, PGS. TS Trường Giang nhận thấy ở cấp độ địa phương, các trang fanpage này chủ yếu chia sẻ đường link từ các báo, hoặc đăng tin hoạt động của tổ chức, chưa có các thông tin tuyên truyền sâu, chưa đầu tư nội dung riêng phù hợp nền tảng mạng xã hội, lượng tương tác và theo dõi cũng còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Do đó, để công tác truyền thông chính sách có hiệu quả, Đại biểu Minh Sinh kiến nghị Chính phủ cần có quy định về việc lập, quản lý và hoạt động của các trang fanpage chính thống của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trên nền tảng mạng xã hội. Tiếp đến, Chính phủ cần có đánh giá lại kết quả lấy ý kiến của Nhân dân trên các trang thông tin điện tử của Chính phủ và các bộ ngành trong thời gian qua.
N. Huyền