Phát hiện thêm BV Ung bướu TP.HCM phải tiêu hủy thuốc đặc trị được viện trợ
![]() |
Kết luận của Thanh tra TP cho thấy, trong 2 năm 2014 – 2015, UBND TP.HCM đã có 3 quyết định phê duyệt cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận 5.200 hộp (120 viên/hộp) thuốc Glivec (Imatinib) 100mg do Công ty Novartis Pharma Service AG (Thụy Sĩ) tài trợ nhằm hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân bị ung thư mô đệm đường tiêu hóa và bạch cầu mạn dòng tủy.
Qua thanh tra nhận thấy, trong 2 năm 2014, 2015, bệnh nhân đã trả lại 613 viên thuốc Glivec, khoa Dược của bệnh viện tiến hành nhập kho và phát lại cho các bệnh nhân khác. Sổ giao nhận trả vỏ thuốc giữa bệnh viện và nhà viện trợ tháng 11, 12/2015 ghi nhận trả 15 kiện.
Thanh tra TP cho biết, việc bệnh viện nhập kho và phát lại thuốc Glivec bị bệnh nhân trả lại cho bệnh nhân khác sử dụng là không đúng theo Biên bản ghi nhớ giữa bệnh viện với bên tài trợ: “Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân phải trả lại số thuốc viện trợ chưa sử dụng cho khoa Dược của bệnh viện. Theo quy định tuân thủ về pháp quy và thực hành sản xuất tốt (GMP) thì thuốc bệnh nhân trả lại không được tái cấp phát và phải được tiêu hủy”.
Việc bệnh viện kiểm kê trả vỏ thuốc tháng 11, 12/2015 thể hiện là “kiện” mà không ghi nhận là bao nhiêu “vỏ thuốc” là không thực hiện đúng.
Ngoài thuốc đặc trị ung thư Glivec, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM còn được UBND TP phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ phi dự án do Công ty Bayer South East Asia Ptc.Ltd tài trợ 200 hộp thuốc Nexavar (60 viên/hộp) trị giá tương đương 23.600.010.000 đồng. Đối tượng nhận thuốc Nexavar là bệnh nhân nghèo mắc bệnh biểu mô gan, biểu mô thận, bệnh nhân được hưởng viện trợ 50% và phải chi trả 50%.
200 hộp thuốc được bệnh viện nhập kho 2 đợt vào tháng 11/2013 và tháng 12/2014. Ngày 1/7/2015, bệnh viện có công văn về việc thuốc viện trợ Nexavar tồn 439 viên, hạn dùng 7/9/2015 cần được giải quyết và hướng xử lý sớm trước khi thuốc hết hạn. Phía Công ty Bayer không có công văn phúc đáp. Ngày 7/11/2016, bệnh viện đã phối hợp với Công ty Môi trường đô thị tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar với lý do hết hạn sử dụng.
Qua thanh tra nhận thấy, ngoài việc gửi văn bản cho Công ty Bayer, Bệnh viện Ung bướu chưa tích cực tìm hướng xử lý khác đối với thuốc Nexavar gần hết hạn sử dụng, dẫn đến việc lượng lớn thuốc tồn (267 viên với giá trị 286.641.855 đồng) hết hạn phải tiêu hủy là lãng phí hàng viện trợ.
Ngoài ra, qua kiểm tra, thanh tra còn nhận thấy Bệnh viện có các sai phạm khác về tiếp nhận viện trợ bằng tiền mặt và hiện vật.
Theo đó, đối với viện trợ bằng tiền của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dùng để mua trang thiết bị y tế với tổng giá trị 199.469.550 đồng, bệnh viện đã thực hiện việc mua sắm trước khi được Sở Tài chính xác nhận viện trợ là chưa đúng theo quy trình thẩm định viện trợ phi chính phủ.
Đối với khoản viện trợ bằng tiền của Tổng lãnh sự quán Úc để mua trang thiết bị y tế trị giá 858.325.000 đồng, bệnh viện đã mua sắm theo hình thức chỉ định thầu là không đúng theo hình thức mua sắm trực tiếp đã xin ý kiến Sở Y tế và được Sở Y tế chấp nhận.
Tháng 3/2014 bệnh viện tiếp nhận hàng viện trợ của tổ chức Medshare với tổng giá trị 3.391.304.436 đồng nhưng đến cuối năm 2015, bệnh viện mới sử dụng 28,5% tổng giá trị hàng viện trợ.
Nhiều mặt hàng không có thời hạn sử dụng hoặc không phù hợp với nhu cầu, thiết bị tại bệnh viện nhưng vẫn được tiếp nhận (như khẩu trang y tế các loại, kim nhựa, bơm tiêm điện, giấy in siêu âm, giấy in điện tim, xe điện…); một số mặt hàng không được bảo quản tốt dẫn đến hư hỏng (ống thông tiểu) cho thấy bệnh viện tiếp nhận hàng viện trợ khi chưa thật sự có nhu cầu dẫn đến sử dụng chưa hiệu quả hàng viện trợ.
Ngoài ra, bệnh viện không xây dựng quy định về quản lý, sử dụng các nguồn thu từ tài trợ là chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Chính phủ.
Trong năm 2014, 2015 bệnh viện có 6 lần nhận tài trợ bằng hiện vật, trong đó có 2 lần không làm thủ tục xin ý kiến của Sở Y tế và UBND TP là chưa thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục nhận tài trợ bằng hiện vật.
Thanh tra thành phố kiến nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo phối hợp các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ đảm bảo nhanh chóng để khai thác tối đa thời hạn sử dụng; cũng như hướng dẫn các bệnh viện trong việc nhập khẩu, tiếp nhận, sử dụng các sản phẩm là y cụ, vật tư tiêu hao phục vụ cho ngành y tế được tài trợ, viện trợ nhưng không có thời hạn sử dụng; việc mượn và cho mượn thuốc nhận viện trợ giữa các bệnh viện…