Phân bón nano cho cây trồng: Hiệu quả cao với cây đinh lăng (P2)
Đinh lăng có phân bón nano. |
Ảnh hưởng của phân bón Nano đến số lượng, khối lượng và chiều dài rễ
Rễ là bộ phận hút nước và chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây sinh trưởng và phát triển. Cây trồng trong điều kiện được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ sẽ có bộ rễ dài và sâu, vươn ra theo các chiều trong đất. Khi bộ rễ phát triển tốt sẽ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi nhất. Kết quả về số lượng, khối lượng và chiều dài rễ cây đinh lăng được trình bày trong bảng 2.
Ảnh hưởng của phân bón nano tích hợp đến số lượng, khối lượng và chiều dài rễ cây đinh lăng:
Mẫu | Số lượng rễ | Tổng khối lượng rễ (g/cây) | Chiều dài rễ chính (mm) | Khối lượng sinh khối phát sinh bao gồm thân +rễ (g/cây) |
Sử dụng phân bón Nano | 21,35±0,12 | 23,5±0,4 | 18,5±0,2 | 149,8±0,5 |
Đối chứng | 14,44±0,35 | 15,8±0,5 | 13,2±0,1 | 103,45±0,65 |
Đối với nhóm đinh lăng sử dụng phân bón nano, số lượng rễ (21,35 rễ/cây) và tổng khối lượng rễ (23,5 g/cây) đều cao hơn nhóm đối chứng với số lượng rễ là 14,44 rễ/cây và tổng khối lượng rễ là 15,8g/cây.
Trong đó, chiều dài rễ chính trung bình ở cây đinh lăng nhóm đối chứng là 13,2cm, so với nhóm đối chứng, cây đinh lăng có chiều dài rễ chính trung bình là 18,5cm. Đồng thời, tổng khối lượng sinh khối phát sinh bao gồm thân và rễ của cây đinh lăng ở nhóm sử dụng phân bón nano tích hợp là 149,8 g/cây, cao hơn so với nhóm đối chứng có tổng khối lượng sinh khối phát sinh là 103,45 g/cây.
Như vậy, khi sử dụng phân bón nano, bộ rễ của cây đinh lăng sinh trưởng và phát triển mạnh hơn cả về số lượng, khối lượng và chiều dài rễ chính. Ngoài ra, trong rễ cây đinh lăng có chứa thành phần glucosid, alcaloid, saponin, triterpen, tanin, 13 loại acid amin, vitamin B1 và đặc biệt là hàm lượng saponin, có tác dụng bổ 5 tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm, chữa ho và giúp tăng cường trí nhớ, chống mệt mỏi.
Do vậy, việc sử dụng phân bón nano tích hợp giúp bộ rễ cây đinh lăng phát triển tốt hơn, làm tăng sinh khối rễ, từ đó làm tăng giá trị sử dụng và kinh tế của cây đinh lăng.
Đinh lăng đang được sử dụng phân bón nano. |
Ảnh hưởng của phân bón Nano đến hiệu quả kinh tế
Cây đinh lăng là cây dược liệu quý, được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh cho con người. Đây là một loài cây thân thảo, rất dễ trồng và dễ sống, ít bị sâu bệnh gây hại nên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Ảnh hưởng của phân bón nano tích hợp đến hiệu quả kinh tế của cây đinh lăng (trong thời gian trồng 1-5/2018):
STT | Tổng chi phí và tổng thu | Phân bón sử dụng | |
Phân bón nano tích hợp | Đối chứng | ||
I | Tổng chi phí (VNĐ) | 92,370,000 | 98,454,750 |
1 | Giống | 70,000,000 | 70,000,000 |
2 | Làm đất | 3,000,000 | 3,000,000 |
3 | Phân bón | 1,200,000 | 3,354,750 |
4 | Vôi | 4,860,000 | 4,860,000 |
5 | Biện pháp BVTV | 300,000 | 540,000 |
6 | Công lao động | 12,960,000 | 16,200,000 |
7 | Điện nước tưới | 50,000 | 500,000 |
II | Tổng thu (VNĐ) | 1,641,600,000 | 1,368,000,000 |
Năng suất (kg) | 91,200 | 76,000 | |
III | Thu nhập thuần (VNĐ) | 1,549,230,000 | 1,269,545,250 |
Chi phí sử dụng phân bón nano tích hợp cho 1ha là 1,200,000 VNĐ chiếm 1,3% tổng chi phí; so với nhóm đối chứng, chi phí sử dụng phân bón thông thường là 3,354,750 VNĐ chiếm 3,4% tổng chi phí. Như vậy, phân bón nano tích hợp tiết kiệm được 60% chi phí cho việc sử dụng phân bón cho đinh lăng so với việc sử dụng phân bón thông thường trong suốt quá trình gieo trồng.
Ngoài chi phí cho phân bón, các biện pháp nông sinh học như làm đất, sửu dụng vôi để cải tạo độ phèn của đất đều áp dụng giống nhau trên cả 2 nhóm thử nghiệm nên chi phí này là tương đương nhau.
Chi phí công lao động: Công lao động phát sinh ở các khâu chủ yếu bao gồm khâu làm đất, gieo hạt, tỉa cây, giặm, làm cỏ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch. Do khi sử dụng phân bón nano tích hợp, số lần bón phân giảm đi so với sử dụng phân bón thông thường nên chi phí công lao động ở nhóm thử nghiệm (14%) giảm đi so với nhóm đối chứng (16,5%).
Chi phí điện nước tưới ở nhóm thí nghiệm sử dụng phân bón nano tích hợp (50,000 VNĐ) giảm đi 10 lần so với khi sử dụng phân bón thông thường (500,000 VNĐ). Điều này do các polime tự nhiên được sử dụng trong phân bón nano tích hợp có khả năng trương nở và giữ nước tốt, do đó, sản phẩm phân bón nano tích hợp vừa cung cấp dưỡng chất vừa có thể duy trì độ ẩm thích hợp cho cây trồng sinh trưởng.
Kết quả phân tích về tổng chi phí và tổng thu cho thấy khi sử dụng phân bón nano sẽ làm giảm tổng chi phí trong quá trình trồng trọt. Tổng chi phí khi sử dụng phân bón nano tích hợp là 92,370,000 VNĐ, so với khi sử dụng phân bón thông thường là 98,454,750 VNĐ.
Năng suất thu được ở nhóm thử nghiệm là 91200 kg/ha, cao hơn so với nhóm đối chứng 76000 kg/ha. Với giá bán đinh lăng ở thời điểm hiện tại (năm 2018) là 18,000 VNĐ/kg thì 1 ha đinh lăng cho tổng thu nhập đạt 1,641,600,000 VNĐ (thu nhập thuần đạt 1,549,230,000 VNĐ) ở nhóm thử nghiệm sử dụng phân bón nano tích hợp, cao hơn nhóm đối chứng 1,368,000,000 VNĐ (thu nhập thuần đạt 1,269,545,250 VNĐ).
Như vậy, kết quả của thí nghiệm vụ này cho thấy khi sử dụng phân bón nano tích hợp đã giúp làm giảm tổng chi phí đầu tư trong gieo trồng cây đinh lăng từ 98,454,750 VNĐ khi sử dụng phân bón thông thường, xuống còn 92,370,000 VNĐ khi sử dụng phân bón nano tích hợp; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất đinh lăng lên trên 1,5 tỷ đồng/1ha, tăng hơn so với sử dụng phân bón thông thường 300 triệu đồng/1ha.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ của dự án thì đây mới chỉ là những kết quả bước đầu của một vụ sản xuất (5 tháng), đồng thời với đặc tính của cây đinh lăng sẽ cho thu hoạch sau thời gian 3 năm nên cần có thêm thời gian thử nghiệm hơn nữa để có số liệu có ý nghĩa hơn. Đánh giá sự thay đổi hiệu quả kinh tế nhằm thấy ưu thế về đầu tư.
Ưu thế dùng phân bón nano tích hợp đã tạo ra sự thay đổi rõ nét theo hướng tăng năng suất, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao khi trồng đinh lăng. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn giống dược liệu quý đinh lăng của Việt Nam, mà còn giúp đời sống nhân dân được cải thiện nhờ vào việc trồng dược liệu, mở ra hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.