Phải tìm mọi chiến lược để bảo vệ trẻ em khỏi các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực
Việc trẻ được tiếp cận với thiết bị kết nối với internet sớm, chưa biết cách tự bảo vệ, phân biệt được những thông tin bất lợi đã khiến nhiều trẻ bị rơi vào cạm bẫy.
Theo khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet; trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng.
Một số liệu được thống kê National Center for Missing and Exploited Children (NCMEC) của Mỹ cũng cho thấy 706.435 là số vụ được báo cáo liên quan tới Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng - đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang tác động tới trẻ em. Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của giới trẻ.
Việc trẻ được tiếp cận với thiết bị kết nối với internet sớm, chưa biết cách tự bảo vệ, phân biệt được những thông tin bất lợi đã khiến nhiều trẻ bị rơi vào cạm bẫy.
Theo đó, vụ việc được Toà án nhân dân TP Biên Hoà (tỉnh Long An) đưa ra xét xử tháng 4 là ví dụ điển hình. Bị cáo Nguyễn Hữu Khanh (24 tuổi, ngụ xã Đức Hạnh, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đã bị tuyên 12 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và 3 năm về tội cưỡng đoạt tài sản (tổng hình phạt 15 năm tù).
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, sau khi quen biết từ MXH, Khanh dụ dỗ bé M.T. (sinh năm 2007, ngụ H.Xuân Lộc) cho xem hình khỏa thân của bé và lưu lại vào điện thoại. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 7/2020, Khanh đã dùng hình khỏa thân của bé T. để khống chế, buộc bé T. cho quan hệ tình dục và yêu cầu bé T. đưa tài sản nhiều lần.
Vụ việc trên khiến nhiều phụ huynh giật mình “xem lại” bản thân vì tại cách thành phố lớn, việc trẻ được tiếp cận điện thoại thông minh từ nhỏ khá phổ biến. Thực tế, có nhiều người chủ quan “thả nổi” để con thoải mái tham gia MXH mà không lường trước được những hiểm họa có thể xảy ra.
Các em còn nhỏ khó phát hiện được những ý đồ xấu, lại thích tò mò nên dễ bị kẻ xấu lôi cuốn, dụ dỗ… Đáng lo ngại là trên các trang MXH còn tồn tại nhiều clip phản cảm, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến các em, rất khó có thể kiểm soát hết bởi không gian mạng quá rộng lớn.
Do đó, đa phần các ý kiến cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng là cha mẹ, thầy cô hoặc những người gần gũi với trẻ nên quan tâm, chia sẻ, định hướng cho con em các kỹ năng cần thiết, tốt nhất đừng để các em sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị số để truy cập vào MXH khi tuổi còn quá nhỏ. Chỉ nên cho trẻ tiếp cận nội dung trên YouTube, TikTok, Facebook, Zalo… khi có sự giám sát, kiểm duyệt của người lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tác động của những nội dung phản cảm trên Youtube hay các nền tảng mạng xã hội khác với trẻ em đã từng được đề cập đến rất nhiều trước đây.
“Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em cũng chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa, không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn nên các em dễ tin vào những gì nghe thấy, nhìn thấy.
Trẻ hành động theo cảm xúc nhiều hơn nên tất cả những gì người lớn nói các em đều nghe và tin hết. Đầu óc của trẻ cũng như tờ giấy thấm, thẩm thấu tất cả những gì diễn ra trong môi trường xung quanh. Đó là lý do tại sao tất cả các nội dung hướng đến trẻ em mới phải bị kiểm duyệt gắt gao như vậy và công tác bảo vệ trẻ em đang phải tìm mọi chiến lược để bảo vệ trẻ em khỏi các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực gây lo lắng, sợ hãi”.
H. Anh