Phải làm sao khi con khinh khỉnh lúc về quê chúc Tết họ hàng?
Nói nhiều về thái độ của con khi về quê, con không tiếp thu, thay đổi mà còn khùng lên: "Sao bố mẹ cứ bắt con phải sống theo ý người khác? Con không thích chuyện là không thích. Có thế thôi mà cứ cật vấn mãi".
Phải làm sao khi trẻ khinh khỉnh, lạnh lùng với họ hàng? |
Tôi thực sự đau đầu mỗi khi đưa con về quê thăm họ hàng, đặc biệt trong dịp Tết. Vốn con ít nói, nhưng ở thành phố khi nói chuyện với bạn bè cháu không đến mức "ngậm hột thị" như về quê.
Mỗi lần về nhà, tự nhiên con biến thành người khác, khinh khỉnh, khó gần với tất cả anh chị em cùng trang lứa, thậm chí ngay với cả ông bà nội con cũng chỉ chào hỏi cho phải phép rồi suốt ngày cắm mặt vào điện thoại.
Lúc con còn nhỏ, chưa hiểu đã đành, giờ con học lớp 10 rồi nhưng vẫn cứ giữ cái thói "chảnh" như thủa nào. Tôi nhắc cháu nhiều lần nhưng vẫn không thể thay đổi khiến tôi không khỏi phiền lòng.
Ông bà nội thì nói xa nói gần chán liền nói thẳng mặt "vợ chồng không biết dạy con". Chúng tôi cũng chỉ biết im lặng. Khi chúng tôi trao đổi với con về cách ứng xử "con không biết chuyện gì", nói nhiều quá, con khùng lên bảo "sao bố mẹ cứ bắt con phải sống theo ý người khác. Con không thích chuyện là không thích. Có thế thôi mà cứ cật vấn mãi".
Thậm chí, có lần quê có giỗ, con viện cớ phải đi học thêm, nhất quyết không về. Tôi thực sự bối rối, không biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Xin chuyên gia giúp vợ chồng tôi.
Đào Thế Hùng (TP Hải Phòng)
Anh chị thân mến!
Dạy con là cả 1 quá trình khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nếu chúng ta không để ý, đôi khi có những điều xảy ra ngoài ý muốn khiến chúng ta phải băn khoăn, có khi là xấu hổ. Con “chảnh” khi tỏ thái độ coi thường với những người họ hàng quen thuộc là một trong những điều như vậy.
Vấn đề này thường xuất phát từ việc cha mẹ đã dành cho con một chế độ chăm sóc riêng đặc biệt. Ngoài ra, cha mẹ hay hỏi ý kiến của con trong mọi việc. Con có quyền lựa chọn đồ dùng, lựa chọn đồ ăn và mọi thứ. Hỏi ý kiến con là việc cần phải làm. Tuy nhiên, nếu bất kể thứ nhỏ xíu gì ta cũng hỏi con thì sẽ khiến con thấy mình quá độ "sang chảnh". Từ đó, con sẽ có thái độ thiếu tôn trọng người khác.
Ngoài ra, trong khi chia sẻ, tâm sự với vợ/chồng hoặc người thân trong gia đình, chúng ta có thái độ miệt thị người khác, chê bai người khác thì các con sẽ nghe thấy và nhanh chóng học theo. Người lớn khéo ăn khéo nói sẽ dễ dàng che đậy thái độ thiếu tôn trọng người khác. Trẻ nhỏ khi không dễ dàng gì để che đậy. Chính vì vậy, các con sẽ vô tư bộc lộ thái độ “chảnh”. Điều này sẽ khiến cho ngày Tết mất vui nếu người thân thiết ở quê bực bội và lớn tiếng chê trách. Ngay cả khi người khác không chê trách, thái độ hành xử thiếu văn minh của con cũng sẽ khiến cho chúng ta xấu hổ.
Đó là chưa kể, việc chúng ta quên không dạy các con “không làm phiền người khác’ cũng là lý do khiến cho các tình huống trớ trêu do thái độ hành xử “ít duyên dáng” của các con gây ra.
Để tránh tình trạng này, khi chúng ta ở nhà, tuyệt đối không nên nói chuyện miệt thị người khác trước mặt trẻ con. Chúng ta cũng không nên dành cho các con một chế độ riêng đặc biệt và tránh việc trao quyền chọn lựa quá nhiều cho trẻ. Khi đó, trẻ sẽ nhanh chóng nhận thức được sự bình đẳng trong thế giới giữa người với người.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên quy định luật lệ “cấm làm phiền người khác” và có hình thức phạt để con nhớ. Khi con có hành động thiếu duyên dáng, cha mẹ phạt con vài lần là con sẽ bớt ngay. Dần dần con sẽ rút kinh nghiệm để có thái độ sống ôn hòa và dễ chịu nhất.
Dạy trẻ sao cho đúng quả không đơn giản. Chúc gia đình anh chị vui tươi trong năm Tân Sửu!
TS Vũ Thu Hương