PGS Văn Như Cương: 34 nghìn tỷ đồng thay SGK là không chấp nhận được
Trao đổi với PV, PGS Văn Như Cương cho biết: “Việc biên soạn đồng loạt chương trình sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến 12 chỉ tiêu tốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Số tiền chủ yếu dành cho biên soạn chương trình SGK mới nên tập trung vào khâu chọn lọc, thẩm định nội dung một cách khoa học để tránh phải chỉnh sửa nhiều lần.
Và việc đổi mới chương trình SGK phổ thông, theo tôi, Bộ nên thực hiện theo cách đồng loạt từ lớp 1 đến 12, chứ không nên thực hiện manh mún, chắp vá, tránh thay đổi nhiều, gây xáo trộn trong giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh…”
PGS Cương băn khoăn: “Việc thay đổi SGK phổ thông câu hỏi đặt ra có mang lại kết quả khả quan trong việc thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hay không? Việc biên soạn SGK không thể theo kiểu người này viết xong thì người khác vẫn đang nghiên cứu. Nếu làm như vậy là không khoa học, dễ xảy ra sự sai sót chồng chéo và phải chỉnh sửa nhiều lần…”
Việc thay đổi SGK theo kiểu manh mún sẽ làm xáo trộn dạy và học |
Theo PGS Cương, chúng ta có 3 lần thay đổi chương trình SGK, với cách làm cắt khúc, cuốn chiếu thay dần kiểu vừa chạy, vừa xếp hàng dẫn đến nền giáo dục bất ổn triền miên, kinh phí biên soạn ngày càng tăng và sau mỗi lần thay sách thì sự thất vọng của xã hội về SGK lại càng tăng lên.
Theo dự kiến, Bộ đưa ra lộ trình là khoảng 2022 sẽ kết thúc Đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, nhưng thực tế có thể phải kéo dài đến năm 2024. Trong khoảng 10 năm, chúng ta thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận.
PGS Cương đưa ra tình huống: “Chẳng hạn, trong khi chúng ta đang loay hoay đổi mới SGK, đổi mới toàn diện giáo dục, hoặc vừa đổi mới xong được 1 -2 năm thì các nước trên thế giới có những cuộc cải cách toàn diện về giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ rơi vào thế bị động, lại phải đổi mới tiếp để chạy theo nền giáo dục các nước phát triển à?”
Theo PGS Văn Như Cương, Bộ nên thay đổi SGK theo hình thức đồng loạt |
“Nên biên soạn một cách đồng loạt sẽ tiết kiệm ngân sách hơn nhiều so với biên soạn theo hình thức cuốn chiếu… và việc biên soạn SGK không thể kéo dài, mà Bộ chỉ nên thực hiện trong vòng 5 năm. Con số 34 ngàn tỷ đồng để biên soạn SGK là con số quá khủng khiếp, không thể chấp nhận được” - PGS Cương lo lắng.
Việc sử dụng 34 ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học, liệu sẽ có bao nhiêu trường học được xây dựng, mỗi trường sẽ được thụ hưởng bao nhiêu tiền trong khi đất nước ta đã và đang xóa trường học tranh tre nứa lá bằng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ?
Bên cạnh đó, trong Đề án còn đề cập tới khoản tiền lớn để mua thiết bị giáo dục mới, nhưng thực tế hiện nay nhiều thiết bị vẫn không được sử dụng hiệu quả hoặc đang đắp chiếu vì bị hỏng hóc. Nếu sử dụng hàng chục tỷ đồng đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học mà đắp chiếu để đó hoặc sử dụng không hiệu quả thì là một sự lãng phí quá lớn.
PGS Cương phân tích, trong một trường học, học sinh lớp 1, 2, 3 học theo chương trình SGK mới nhưng lớp 4, 5 vẫn học theo SGK cũ thì sẽ khiến cho nhà trường khó quản lý, tổ chức điều hành giảng dạy. Hơn nữa, việc biên soạn SGK theo hình thức cuốn chiếu sẽ chỉ làm tăng chi phí chỉnh sửa, bổ sung và phát hành...
“Chúng ta có thể lập ra “trại viết sách giáo khoa”, để biên soạn theo hình thức các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau và với nhóm tác giá các cuốn khác cùng môn học ở lớp dưới, lớp trên hoặc với tác giả các môn lân cận. Nếu làm được như vậy, thì việc kiểm tra chéo, thẩm định kỹ lưỡng giữa các nhóm tác giả với nhau sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc trong SGK mới.” – PGS Cương đưa ra giải pháp.