PGS Trần Đắc Phu: Yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính mới cho vào địa phương là không cần thiết
Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang... yêu cầu người dân không riêng ở TP.HCM mà cứ ngoại tỉnh muốn vào tỉnh cần có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Cấm bán đồ ăn mang về, người dân TP.HCM bối rối
Chiều 8/7, TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 cho thời gian 15 ngày giãn cách tới và trong hướng dẫn này cấm mua đồ ăn mang về khiến nhiều người dân sốc.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh phía Nam, nhiều địa phương yêu cầu người dân ngoại tỉnh kể cả không ở vùng dịch cũng phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được ra vào tỉnh. Thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm trong 3 ngày, 5 ngày có tỉnh cho thời gian 7 ngày. Có tỉnh, ngoài giấy xét nghiệm âm tính người đến đó còn phải đi cách ly tập trung 21 ngày.
Hải Phòng yêu cầu từ 12h ngày 7/7, cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP.HCM. Từ 12h ngày 8/7, các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP Hải Phòng chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 5 ngày vào thành phố.
Quảng Ninh yêu cầu người từ nơi khác vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tỉnh này thí điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại 3 chốt kiểm soát dịch gồm chốt tại cổng tỉnh (thị xã Đông Triều), chốt cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); chốt cầu Đá Bạc (TP Uông Bí). Bắc Giang từ ngày 5/7 yêu cầu toàn bộ người ngoại tỉnh vào địa bàn phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ.
Đối với những người từ TP.HCM ở nhiều tỉnh thành phía Nam việc kiểm soát còn gắt gao hơn nữa.
PGS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng các sự kiện khẩn cấp Bộ Y tế, cho biết hiện tại Bộ Y tế chỉ hướng dẫn các địa phương tiếp nhận người từ TP.HCM về. Tất cả những người từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP HCM nhưng không dừng, đỗ) phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 07 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 07 ngày tiếp theo.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng việc yêu cầu giấy xét nghiệm là không cần thiết. |
Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Còn đối với các địa phương khác cũng được hướng dẫn cụ thể và về từ vùng dịch mới cần cách ly. Ví dụ vùng dịch đó là 1 xã, một huyện, 1 khu vực hoặc 1 tỉnh thành. Hiện tại chỉ có riêng TP.HCM được coi là địa phương vùng dịch. Các tỉnh lân cận là có dịch và các vùng dịch lõi ở các địa phương này. Vì vậy, PGS Phu cho rằng các địa phương yêu cầu có giấy xét nghiệm đối với tất cả các người ngoại tỉnh ra vào địa phương mình là không cần thiết còn gây nhiều bất cập như việc ùn tắc khi kiểm tra giấy xét nghiệm, ùn tắc khai báo y tế.
Theo PGS Phu giấy xét nghiệm chỉ có giá trị trong thời điểm lấy mẫu xét nghiệm chứng tỏ người đó không mang virus. Nhưng sau khi lấy mẫu vẫn có thể nhiễm virus vì vậy việc đảm bảo giấy xét nghiệm làm điều kiện cho “thông hành” vào địa phương không thể đảm bảo người có giấy xét nghiệm sẽ không mang virus vào địa phương mình.
Trường hợp mới mắc Covid-19 trong 1-2 ngày đầu, việc xét nghiệm chưa thể phát hiện ra ngay. Chưa kể những trường hợp làm giả, giấy xét nghiệm hoàn toàn không có giá trị.
Hiện tại, PGS Phu cho rằng việc yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính của một số tỉnh đối với người về từ TP.HCM còn có thể tạm chấp nhận vì họ e ngại nhưng đối với các tỉnh chưa phải là vùng dịch thì hoàn toàn không hợp lý.
Thay vì việc yêu cầu xét nghiệm, PGS Phu cho rằng các địa phương cần đưa ra các khuyến cáo đối với việc đi lại của người dân. Các địa phương chặn các cửa ngõ ra vào địa phương để khai báo y tế cũng không đảm bảo họ có thể quản lý giám sát được người vào địa phương mình.
Hiện nay, PGS Phu cho biết Hà Nội đang có các biện pháp quản lý người ra vào thành phố qua khai báo y tế khá ổn, đỡ cảnh chen lấn chờ “thông quan” như một số địa phương.
Thành phố Hà Nội yêu cầu người dân phải có khai báo y tế và khi khai báo qua hệ thống điện tử họ giao trực tiếp cho địa phương như phường, xã quản lý người đến từ vùng dịch yêu cầu cách ly nghiêm tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế không yêu cầu phải cách ly tập trung.
Đặc biệt, với hoạt động đi lại, lưu thông đường dài, dù có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Trong đó, các biện pháp quan trọng nhất là thường xuyên đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và chủ động khai báo y tế. Đến nay, khi dịch đã lây lan trong cộng đồng, bất kỳ ai cũng có thể là F0.
Cấm bán đồ ăn mang về, người dân TP.HCM bối rối
Chiều 8/7, TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 cho thời gian 15 ngày giãn cách tới và trong hướng dẫn này cấm mua đồ ăn mang về khiến nhiều người dân sốc.
Khánh Chi