Cấm bán đồ ăn mang về, người dân TP.HCM bối rối
Chiều 8/7, TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 cho thời gian 15 ngày giãn cách tới và trong hướng dẫn này cấm mua đồ ăn mang về khiến nhiều người dân sốc.
Ảnh minh họa |
Theo đó, hướng dẫn nêu rõ các cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống mang về, đại lý và bán vé số dạo tại TP. HCM đều phải dừng để đảm bảo phòng Covid-19 trong 15 ngày, từ 0h ngày 9/7.
Nội dung được đề cập trong hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 ở TP. HCM do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong ký ngày 8/7.
Trước đây, khi thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 10, thành phố chỉ cấm các cửa hàng ăn uống phục vụ khách tại chỗ nhưng cho phép bán mang về. Với yêu cầu mới, tất cả cửa hàng đồ ăn phải dừng luôn dịch vụ bán giao hàng (giao tận nơi thông qua shipper). Dịch vụ này đang được nhiều người dân thành phố sử dụng.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục tạm dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch tạm thời đóng cửa để khắc phục.
Người dân được yêu cầu chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao...
Trước thông tin không bán thực phẩm mang về, nhiều người dân đã than thở việc cấm như vậy không hợp lý. Chị Lê Thanh Nga – trú Phan Văn Trị, Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ từ khi thành phố thực hiện cách ly phong toả ở quận Gò Vấp, gia đình chị Nga đã vô cùng vất vả trong khâu mua thực phẩm. Hàng ngày, hầu như chị đều phải đặt thực phẩm online vì trong nhà còn có người già, người trẻ. Nếu cấm đặt online thì không biết mua bán kiểu gì.
Dù thành phố khuyến cáo người dân không nên tích thực phẩm trong nhà nhưng lại cấm mua thực phẩm mang về. Những ngày qua, gia đình chị Nga đều sống bằng rau tiếp tế từ người quen, thực phẩm cũng mua online, khi nhỡ nhàng vẫn đặt mua đồ ăn sáng cho cả nhà.
BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia truyền nhiễm tại TP.HCM cũng cho rằng quy định cấm bán hàng ăn mang về qua shipper này không hợp lý với người dân và thói quen sinh sống ở thành phố. Nếu chiếu theo hướng dẫn này, với một số gia đình, dân văn phòng, sinh viên, người lao động họ không nấu ăn, không có bếp thì 15 ngày tới họ sống như thế nào?
BS Khanh cho biết không thể vì 1 ca shipper dương tính mà cấm ship đồ ăn tại nhà luôn. Điều quan trọng nhất hiện nay chuỗi lây ở TP.HCM không phải qua giao hàng mà chủ yếu là chuỗi lây trong gia đình, hàng xóm. Sau gần 40 ngày thực hiện chỉ thị 15, 16, 10 thì chỉ cho người dân giãn cách ngoài đường còn thực tế cái cần giãn cách nhất là nhà – nhà thì TP.HCM chưa làm được nên hình thức lây vẫn là hộ gia đình, hàng xóm ở gần nhau.
Việc mua hàng online đồ ăn mang về hay bất cứ thực phẩm gì cần được khuyến khích trong mùa dịch vừa giúp người dân vẫn có thể kiếm kế sinh nhai, cũng đáp ứng điều kiện sinh hoạt của người dân thành phố.
Nếu không cho bán hàng ăn mang về, 100% người dân tự nấu đồ ăn và họ lại tiếp tục đi chợ, siêu thị và khi đó vô tình tạo thành vòng luẩn quẩn tập trung đông người để mua sắm. Thực phẩm là dịch vụ thiết yếu số 1 nên khi quy định cần xem xét áp dụng phù hợp – BS Khanh cho biết.
Từ trước tới nay chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào lây qua thực phẩm mang về. BS Khanh cho biết thay vì cấm dịch vụ bán hàng ăn mang về thì nên tổ chức lại các biện pháp đảm bảo giãn cách, hướng dẫn an toàn cho các shipper trong quá trình giao nhận hàng.
Để phòng chống dịch tốt nhất đó là người dân phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Bỏ thói quen đi tám chuyện hàng xóm để đảm bảo giãn cách đúng nhà – nhà.
Khánh Chi
TP.HCM cần tận dụng thời gian giãn cách để chống dịch
Tính đến trưa 8/7, TP.HCM đã ghi nhận 8585 ca nhiễm Covid-19, đặc biệt trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày phát hiện 500 - 600 trường hợp nhiễm mới.