Ông Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp khiếp sợ vì thanh, kiểm tra chồng chéo
![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cải cách hành chính phải đi đôi với cải cách tư pháp và phải coi đó như một yêu cầu bức thiết. Tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo đang là một vấn nạn. Ông Lộc cũng cho biết, thời điểm 01/07/2016 là mốc lịch sử của Việt Nam khi hàng loạt các giấy phép con trói buộc doanh nghiệp bị hủy bỏ, nhưng hành trình mới chỉ bắt đầu và vẫn đang tiếp tục, chứ chưa phải là đã kết thúc.
- Thưa ông, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ đang lo ngại về những cuộc thanh tra, kiểm tra diễn ra liên tục giữa các cấp, các ngành. Ông nghĩ sao về việc này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Khảo sát của VCCI cho thấy các doanh nghiệp đang quan ngại về sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh an toàn cho người dân và doanh nghiệp. Họ cần phải được bảo vệ và phải tạo thuận lợi, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra thực sự đang là nỗi lo ngại rất lớn của doanh nghiệp. Cho nên cải cách hành chính cần phải đi đôi với cải cách tư pháp, và cần phải coi đó là một yêu cầu bức thiết. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo không thanh tra, kiểm tra chồng chéo, đảm bảo tập trung liên thông và không thanh tra, kiểm tra quá một lần trong một năm. Nhưng thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương, việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo đang là một vấn nạn.
Theo tôi, trong việc kiểm tra chuyên ngành đối với lĩnh vực Hải quan cũng cần phải lưu ý đối với nguyên tắc quản lý rủi ro, hướng tới chỉ kiểm tra khoảng 10% và phân loại rất rõ những doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định.
- Chính phủ và VCCI đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Thế nhưng, cần điều gì để quá trình này được diễn ra một cách nhanh chóng, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, trước hết, cần tiếp tục cải cách thể chế và khung khổ pháp luật về kinh doanh. Điều này không chỉ nằm ở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, mà còn nằm ở hàng loạt các luật chuyên ngành khác có liên quan. VCCI mới chỉ rà soát bước đầu ở 37 Luật thôi nhưng đã thấy có hàng trăm quy định bất hợp lý. Thông thương một bộ luật ra đời cần đền 5-6 năm đi vào thực tiễn để người ta tổng kết, đánh giá, sau đó mới sửa đổi. Do vậy, có rất nhiều luật ngay sau khi ban hành đã thấy bất hợp lý rồi nhưng không sửa nổi vì còn phải xếp hàng xây dựng luật và thường phải theo chu kỳ 5-6 năm mới có thể quay lại sửa đổi nên dẫn đến chậm trễ.
VCCI chúng tôi đề xuất có một Luật để sửa đổi nhiều Luật khác liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Xưa nay chúng ta vẫn nói rằng pháp luật cần mang tính ổn định, nhưng ổn định chỉ là tương đối, còn sự cải thiện sẽ là tuyệt đối. Ngay cả những Luật vừa mới ban hành cũng không phải ngoại lệ. Luật là phải “động” theo yêu cầu của thực tiễn, miễn là nó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Trong quá trình rà soát các Thông tư, Nghị định vừa rồi, chúng tôi phát hiện có rất nhiều điều kiện kinh doanh đã được quy định trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư không hội đủ những điều kiện theo quy định của Hiến pháp, tức là cản trở quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Cho nên ngay cả quy định trong luật pháp về đầu tư cũng không còn phù hợp.
Trong đợt rà soát này chúng tôi đưa ra khoảng 30 lĩnh vực kinh doanh không đáp ứng dược điều kiện và đề nghị đưa ra khỏi danh mục. Ngoài ra còn một loạt các luật chuyên ngành cũng đưa ra các quy định về điều kiện kinh doanh. Các Bộ, ngành cũng đồng tình với VCCI là cần phải hủy bỏ các điều kiện không cần thiết.
- Sau ngày 01/07/2016, các Thông tư ban hành trái luật sẽ tự động hết hiệu lực, tuy nhiên hiện nay chưa ban hành đủ 50 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, điều này sẽ tạo nên khoảng trống pháp lý như thế nào đối với doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Chính phủ cần phải rà soát để những cái nào thuộc về điều kiện kinh doanh thì đưa vào Nghị định, cái nào không phải là điều kiện kinh doanh thì đưa vào Thông tư. Việc quan trọng bây giờ là phải hoàn chỉnh ngay những Nghị định chưa được ban hành. Thứ hai là phải rà soát xem những gì không phải là điều kiện kinh doanh mà là quy chuẩn, tiêu chuẩn thì các Bộ, ngành phải ban hành Thông tư để quy định về điều đó, đồng thời hủy bỏ các Thông tư hiện hành về điều kiện kinh doanh. Trong quá trình rà soát cũng cần phải hết sức lưu ý tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, cái nào thực sự cần đến quy chuẩn, tiêu chuẩn thì hãy ban hành Thông tư, còn lại để thị trường tự quyết định theo quy luật của thị trường.
Cái nào là quyền của người dân và doanh nghiệp thì phải trả lại cho người dân và doanh nghiệp, cái nào nhà nước cần quản lý mới cần phải ban hành quy định về quản lý, đồng thời chuyển mạnh mẽ từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ kiểm soát toàn bộ sang kiểm soát theo mẫu theo nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh từ các điều kiện kinh doanh sang các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Hiện nay cũng chỉ còn 1-2 Nghị định chưa được ban hành và chúng tôi đề nghị Chính phủ cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Các Bộ, ngành cũng cần phải lập tức công bố hủy bỏ các Thông tư về điều kiện kinh doanh, và phải ban hành ngay các Thông tư quy định về quy chuẩn và tiêu chuẩn, nhưng quá trình rà soát các quy định về quy chuẩn và tiêu chuẩn cũng cần phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cà cũng không thể nâng cấp một cách cơ học từ Thông tư lên thành Nghị định để hợp thức hóa các điều kiện kinh doanh.
Thời điểm 01/07/2016 không phải là thời điểm kết thúc của quá trình loại bỏ giấy phép con, bản thân 50 Nghị định sẽ được ban hành đầy đủ cũng chứa đựng nhiều điều kiện kinh doanh không hợp lý. Có thể các điều kiện kinh doanh vẫn còn nằm tại các Thông tư theo các Luật chuyên ngành, cho nên cần sửa đổi cả luật chuyên ngành. Tôi nghĩ thời điểm 01/07/2016 là thời khắc lịch sử của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi được coi như là bước đột phá trong việc xóa bỏ giấy phép con trong kinh doanh và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ hành trình mới chỉ bắt đầu và đang tiếp tục chứ chưa phải là kết thúc.