Ông Putin cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về hậu quả của đại dịch Covid-19
Theo đó, trong tuyên bố, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bày tỏ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để vượt qua đại dịch Covid-19. Các quốc gia quyết tâm dành mọi nỗ lực để bảo vệ cuộc sống, công việc và thu nhập của người dân, và cung cấp sự hỗ trợ cho tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị trực tuyến nhóm G20. Ảnh: RIA. |
Tuyên bố cũng nêu rõ nhóm G20 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng y tế. Các nhà lãnh đạo nhóm G20 cũng cam kết tăng cường vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc phối hợp cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo nhóm G20 đã đồng ý phân bổ 5.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu để chống lại dịch bệnh.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, tổ chức từ thiện và các cá nhân đóng góp cho những nỗ lực này”, báo cáo cho biết.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo nhóm G20 cũng cam kết sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, xã hội từ đại dịch Covid-19, khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu, duy trì sự ổn định thị trường và tăng cường khả năng phục hồi do ảnh hưởng dịch bệnh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và rộng khắp. Hành động của nhóm G20 sẽ tăng cường hiệu quả, đảm bảo sự gắn kết và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng”, báo cáo cho hay.
Phát biểu trước các lãnh đạo nhóm G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị:
- Tạo ra một quỹ đặc biệt dưới sự bảo trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và trao quyền cho bất kỳ thành viên nào vay vốn.
- Phát triển một kế hoạch chung cho việc khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
- Hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt liên quan tới hàng hóa và gia dịch thiết yếu.
- Sự hành động trực tiếp của WHO để xác định dịch bệnh ẩn sâu ở các quốc gia nơi không thể tiếp cận với các phương pháp xét nhiệm.
- Thiết lập “hành lang xanh” đối với các cuộc chiến tranh thương mại và các lệnh trừng phạt.
Theo ông Putin, sự ảnh hưởng liên quan đến Covid-19 sẽ biến thành những “cú sốc” lan rộng ra khắp thế giới hơn cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 và các lệnh trừng phạt thương mại làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.
Đồng thời, Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi các nước nhóm G20 tích cực tham gia để đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin, cũng như trao đổi dữ liệu về căn bệnh này.
Ông Putin coi thất nghiệp là rủi ro chính bị ảnh hưởng từ đại dịch này. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp sẽ là chỉ số chính đánh giá về hiệu quả của các biện pháp chống khủng hoảng, Tổng thống Nga nói thêm.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 và các nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Tuần trước, Saudi Arabia đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị trực tuyến khi mà hiện nay diễn biến nhanh của dịch Covid-19 đang đặt ra vấn đề G20 phải có những động thái phản ứng nhanh. Do đó, việc Saudi Arabia tổ chức họp Thượng đỉnh trực tuyến G20 nhằm truyền thông điệp cao nhất của G20 về phối hợp ứng phó với dịch Covid-19. Vua Salman của Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng khắp toàn cầu, khiến hơn 470.000 người nhiễm, hơn 21.000 người chết và hơn 3 tỷ người bị phong tỏa tại nhà để ngăn virus lây lan. Các chuyên gia nhận định hậu quả của Covid-19 với nền kinh tế toàn cầu có thể lớn hơn khủng hoảng năm 2008.
G20 bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20 này là sự tiếp nối của hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thuộc nhóm này.