Ông lớn ngân hàng đồng loạt "nhịn miệng" giảm lãi vay
Thông tin này được loạt nhà băng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank … đưa ra ngay trong thời điểm các doanh nghiệp (DN) đang lo lắng vì mặt bằng lãi suất đang rục rịch tăng.
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, từ ngày 29/4 ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VNĐ. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn, mức giảm lên tới 0,5%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Riêng mức lãi vay trung dài hạn, mức lãi suất sẽ tối đa không quá 10%/năm đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Không riêng gì BIDV, ngân hàng Vietcombank trong sáng 29/4 cũng phát đi thông tin sẽ giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng khách hàng DN. Theo đó, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh vay vốn trung và dài hạn sẽ được hưởng gói lãi suất ưu đãi, tối đa 10%/ năm trong thời gian một năm.
![]() |
BIDV giảm 0,5% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đưa ra gói ưu đãi hỗ trợ DN với nhiều giải pháp. Một trong số đó là Vietcombank sẽ dành gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ DN trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng. Một đại diện của Vietcombank cho biết ngân sách này có được từ tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh của ngân hàng.
Động thái cắt giảm lãi suất đầu ra của các ông lớn ngân hàng được ghi nhận là “khá bất ngờ”, bởi thực tế thị trường vừa qua cả đầu vào – lãi suất huy động và đầu ra – lãi suất cho vay, đều có dấu hiệu tăng trở lại.
Chia sẻ về việc bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất của các ngân hàng lớn, đại diện Vietcombank cho hay, động thái này của ngân hàng nhằm hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
“Theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, dù ngân hàng luôn áp dụng các chính sách cho vay mức lãi suất hợp lý cho DN thời gian qua, nhưng Vietcombank sẵn sàng hạ lãi suất cho vay để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các DN” – đại diện Vietcombank nói.
Còn riêng với BIDV, Chủ tịch HĐQT ông Trần Bắc Hà đánh giá, hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường ở mức 7-11%/năm – là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua. Trong khi giá vốn đang ở mức khoảng 7,8%, thì mức chênh lệch ròng của các ngân hàng hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7% so với các nước trong khu vực.
“Nhiều người cho rằng việc giảm tiếp lãi suất cho vay là khó, tuy nhiên, theo tôi là có thể làm được và mức giảm có thể là 0,5-1%/năm”- ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh. Vì thế, trong lúc chờ đợi những quyết sách từ phía cơ quan quản lý, ngân hàng này đã “chịu thiệt” giảm lãi để giảm lãi suất đầu ra cho DN thêm 0,5%/năm đối với kỳ hạn gửi ngắn.
Thừa nhận, đúng là các nhà băng nếu “chắt chiu” lợi nhuận có thể giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn chút ít, chia sẻ với Infonet, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – ngân hàng bày tỏ, mức lãi suất đầu ra bình quân bằng VNĐ đối với các DN hiện khoảng 8,5%/năm, cao hơn các nước trong khu vực Asean đang ở mức 6-7%/năm, vì thế bất lợi cho các DN Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế chung Asean (AEC).
“Đúng là vừa qua có hiện tượng lãi suất đầu vào tăng khiến DN lo lắng lãi đầu ra sẽ tăng lên so với cuối năm 2015. Nhưng thực tế, cơ hội giảm mặt bằng lãi suất vay là có.Thậm chí, nếu tính toán căn cơ vẫn có thể giảm khoảng 0,5%/năm đối với lãi vay kỳ hạn ngắn”- ông Lực nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh loạt biện pháp cần phải thực hiện nếu muốn “kéo” mặt bằng lãi suất đầu ra xuống. Trước tiên, ông Lực cho rằng, Chính phủ phải chỉ đạo phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa tốt hơn, đồng thời phải có giải pháp bền vững giảm chi tiêu công. Cùng với đó là động thái xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng.
Giải pháp cuối cùng được vị chuyên gia này nhắc tới là xử lý dứt điểm nợ xấu. “Cần có cơ chế đặc thù cho VAMC, đặc biệt cơ chế riêng khi tiến hành các thủ tục pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm. Ngoài ra, có thể nghiên cứu để VAMC được bán nợ, bán tài sản cho nước ngoài, các đơn vị, cá nhân không có chức năng mua-bán” - ông Lực nói dứt khoát.
Theo tính toán của vị Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, riêng đợt giảm lãi suất cho vay lần này, ngân hàng sẽ giảm doanh thu khoảng 400-450 tỷ đồng để chia sẻ, hỗ trợ các DN.