Ốc hương Khánh Hòa được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành Quyết định số 5160/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00113 cho sản phẩm ốc hương “Khánh Hòa”.
Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản này.
Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Khánh Hòa là một tỉnh ven biển nằm trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Khi nói đến các món ăn ngon của biển ở Khánh Hòa người ta nghĩ ngay đến các món ăn chế biến từ “Đệ nhất ốc” đó là ốc hương. Ốc hương Khánh Hòa có khối lượng ruột ốc từ 4,8 - 5,5g/con, phần gan tụy lớn, khối lượng tuyến gan tụy từ 1,55 - 1,87g/con, hàm lượng nước ít, hàm lượng nước từ 66,3 - 67,1%, vì vậy khi chế biến, thịt ốc ít bị hao, còn khi ăn thịt ốc có mùi thơm, vị ngọt tự nhiên, hương vị đậm đà hơn ốc hương nuôi ở các tỉnh khác.
Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài với một hệ thống vũng vịnh, đảo, bán đảo, cửa sông, đầm phá, ít bị gió bão. Đặc thù địa hình này giúp cho hình thức nuôi ốc hương tại Khánh Hòa đa dạng. Ngoài nuôi ốc hương bằng lồng trên biển, người dân địa phương còn nuôi ốc hương trong ao, trong đầm bằng cách dẫn nước từ biển vào.
Người dân Khánh Hòa nuôi ốc hương 2 vụ/năm (vụ chính thả giống từ tháng 3 - tháng 4, vụ phụ thả giống từ tháng 9 - tháng 10), trong khi các tỉnh khác phải nhập giống ốc hương từ Khánh Hòa về nuôi và chỉ nuôi được 1 vụ/năm. Vào vụ nuôi phụ, mặc dù đây là mùa mưa ở tỉnh Khánh Hòa nhưng do đặc điểm khu vực nuôi ốc hương không gần cửa sông lớn nên độ mặn và nhiệt độ nước vẫn đảm bảo cho ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt.
Không giống với các địa phương khác là dùng công cụ thô sơ tự chế để đào xới, đảo nền đáy nuôi ốc hương, tại Khánh Hòa, người dân dùng máy sục xới đảo nền đáy. Máy xới đảo sẽ giúp nền đáy nuôi ốc hương được sạch và đều hơn.
Mai Anh