Nuôi con, bố mẹ có nên... giả vờ ngốc?
1. Bạn tỏ ra vụng về: Bạn bắt trượt bóng liên tục khi chơi chuyền bóng; bạn ngã khỏi ghế mấy lần khi ngồi xuống… sẽ khiến trẻ thích thú vì nghĩ người lớn cũng không giỏi hơn chúng.
2. Vờ không nhìn thấy những vật dù nó ở ngay trước mặt và nhờ trẻ chỉ giúp. Ngay cả khi trẻ chỉ rồi bạn vẫn ngơ ngác: Ơ, đâu nhỉ, bố có nhìn thấy gì đâu… Đó là cách giúp trẻ xây dựng thoái quen giúp đỡ người khác, tập làm việc nhà và rèn khả năng quan sát cho trẻ nhỏ.
3. Vờ dễ dàng bị đau: Dù chỉ bị vấp một chút xíu thôi hoặc va tay vào đâu đó, bố sẽ tỏ ra nhăn nhó: Ôi đau quá! Hãy giúp bố đi, đau quá mức rồi đây.
Hoặc hễ bé định rủ bố chơi một trò gì đó như đập tay chẳng hạn, hãy vờ sợ hãi và nói: Nhưng con đập đau lắm, bố sợ lắm.
Nếu bé nói: Con chỉ đập nhẹ thôi, bạn hãy cảm ơn bé. Nhưng thường bé vẫn dùng hết sức để đập, khi đó hãy la toáng lên và nói: Con đánh lừa bố! Đau quá!
4. Vờ như một đứa trẻ: Bạn lấy món đồ chơi, ôm vào lòng và nhăn nhó: Cái này của mẹ! Bạn đi tất ngược/ Bạn mặc áo mãi không xong/ Bạn mặc quần và lúng túng đến ngã nhào…
5. Vờ yếu đuối: Chơi các trò chơi cần sức mạnh, bạn bị thua như chơi kéo co, chơi vật tay… Điều này sẽ kích thích khả năng của trẻ, xây dựng cho trẻ sự tự tin và sẵn sàng tham gia những thử thách.
6. Vờ hát sai, nói sai: Ví dụ bạn hát: Bé lên hai, bé đi nhà trẻ… Mừng ngày sinh nhật tháng ba/ Mừng ngày sinh nhật tháng tư/ Mừng ngày mới hôm qua sinh nhật/ Chúng ta đi nằm lăn kềnh… Trẻ sẽ hát "chỉnh" lại lời cho bạn, qua đó giúp trẻ ghi nhớ các bài hát và rèn trí nhớ rất tốt cho trẻ.
7. Vờ dễ dàng đồng ý: Khi con đang cáu kỉnh, trẻ sẽ hay “gào to”: Khônggggg. Bạn hãy đưa ra một đề nghị thật buồn cười: Con có muốn mẹ ăn hết cả nồi cơm kia không?
Con có muốn bố nằm ngủ và ngáy thật to không? Khi trẻ trả lời không, bạn sẽ suy nghĩ 10 giây và trả lời: Thôi được rồi, bố/ mẹ đồng ý. Con thắng. Bằng cách đó, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và tạm quên đi những cơn cáu kỉnh.
8. Vờ đãng trí: Bạn không biết đánh răng thế nào/ Quên không biết cắm nồi cơm ra sao/ Quên cách đi tất… và cần nhờ trẻ trợ giúp. Trẻ sẽ hăng hái trở thành những "người thày" và giúp chúng tự tin trong giao tiếp, truyền đạt ngôn ngữ sau này.
Những cách trên không làm cho trẻ cảm thấy bạn ngốc nghếch thật đâu. Trẻ sẽ thấy bạn gần gũi, dễ thương và đáng tin hơn là việc lúc nào bạn cũng hoàn hảo.