Nước ép, chị em nào cũng từng thử nhưng hầu hết đều uống sai cách
Mỗi tối chị làm sẵn khoảng 3 lít nước ép các loại, cất tủ lạnh để sáng mai chia đều cho 4 thành viên trong gia đình mang theo người sử dụng trong ngày. Nhưng hôm nay, món “nước thần” của chị đã làm hại cô con gái.
Nước ép, chị em nào cũng từng thử nhưng hầu hết đều uống sai cách (ảnh minh hoạ) |
Đều đặn mỗi tối, chị Lan (Đội Cấn) sau bữa cơm chiều, khi các con đã ngồi vào bàn học, chồng chị cũng đã yên vị trên sopha xem tivi chị lại bắt đầu bày “đồ hàng” ra chế biến.
Tối qua, món trái cây mà chị Lan đem ra là dứa, cần tây, bắp cải tím, dưa chuột và một số củ, quả khác. Chị cho biết sẽ chế hai loại nước ép dứa cần tây cho chị và con gái, còn dưa chuột và cải tím cho chồng và con trai.
Lý do, người phụ nữ ngoài 40 tuổi dạo này chăm chỉ uống nước ép là vì, cách đây hơn tháng, hôm ấy chị có việc ra ngoài giữa trưa. Chưa kịp ăn uống gì, lại đúng giữa trưa khiến chị khát khô họng, đến cơ quan chị tưởng bị ngất đi. Từ đó, tối nào chị cũng “hì hục pha màu bằng củ quả”.
Mỗi tối chị làm sẵn khoảng 3 lít nước các loại, cất tủ lạnh để sáng mai chia đều cho 4 thành viên trong gia đình mang theo người sử dụng trong ngày. Nhưng hôm nay, món “nước thần” của chị đã làm hại cô con gái.
Như thường lệ, sáng chị để sẵn chai nước của các thành viên ra bàn ăn. Cô con gái cũng mang đi nhưng đến chỗ làm thêm lại quên không để tủ lạnh. Công việc nhiều cô cũng chẳng còn nhớ ra việc phải uống nước mẹ chuẩn bị.
Đến khi khát, cô mới lấy ra uống. Mặc dù thấy vị hơi khác khác nhưng cô đã lỡ “làm cốc to”. Báo hại, sau bữa trưa ít phút, cô đã liên tục phải chạy vào ôm toillet.
Trao đổi với phóng viên Infonet, Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Hà, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng cho biết mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng các loại nước ép từ các loại rau, củ quả tăng cao. Ở những thành phố dường như việc sử dụng nước ép trở nên phổ biến với nhiều nhu cầu từ giải nhiệt đến sáng da cho tới giảm béo…
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu công dụng của từng loại nước ép và sử dụng một cách khoa học. Qua thực tế thăm khám, Bác sĩ Đoàn Ngọc Hà cho biết có những sai lầm khá phổ biến khi mọi người sử dụng nước ép rau, củ, quả.
Đầu tiên có thể kể đến là việc dùng nước ép thay thế hoàn toàn việc ăn rau củ quả. Nhiều người cho rằng nước ép đã cung cấp đầy đủ các vitamin khoáng chất nên không cần ăn rau nữa.
“Quan điểm và cách làm này là sai vì trong nước ép thiếu hụt mất lượng chất xơ cần thiết. Bên cạnh đó, khi nhai rau củ quả, các enzyme có trong nước bọt sẽ đóng vai trò xúc tác hỗ trợ và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Vì vậy, những người nhai kỹ thì no lâu là vì dưỡng chất được hấp thu cao. Ngược lại, khi chúng ta uống nước ép, quá trình này diễn ra nhanh và lượng enzyme tiêu hóa được tiết ra hầu như là rất ít”, BS Ngọc Hà phân tích.
Sai lầm tiếp theo đó là khi phái nữ thường nghĩ rằng uống càng nhiều các loại nước ép càng tốt. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều loại hoa quả có lượng đường cao, do đó chỉ nên dùng với lượng vừa đủ và phối hợp với các loại rau củ khác, đặc biệt là đối với những người tiểu đường, béo phì.
Hiệp hội Y khoa Mỹ đã công bố một nghiên cứu chỉ trích nước ép hoa quả do hàm lượng đường fructose quá lớn. Theo đó, những phụ nữ uống nhiều nước quả ép hoặc soda mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh gout cao gấp đôi so với những người thi thoảng mới uống.
Sai lầm tiếp theo là pha nước ép trái cây với sữa. Khi pha sữa với nước ép trái cây, protein có trong sữa sẽ phản ứng axit tartaric trong nước ép, gây trở ngại cho quá trình hấp thụ của cơ thể.
Đáng lưu ý, một sai lầm trầm trọng khác mà các bà nội trợ hay mắc phải đó là không uống ngay sau khi làm xong nước ép. Theo đó, nhiều chị em sẽ chọn cách mỗi tối sẽ ép luôn thể cùng lúc một vài lít đủ loại (dứa, cần tây dứa, bí đao dứa…) để các thành viên trong cả nhà uống đủ trong ngày hôm sau.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngọc Hà việc để quá lâu các loại nước ép này sẽ làm các enzyme, chất phytochemical, các vitamin cũng như các dưỡng chất tốt khác sẽ bị ôxy hóa hoặc bị giảm hàm lượng đường trong các loại nước ép đồng thời cũng dễ khiến vi khuẩn phát triển.
Nếu uống phải sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí có trường hợp bị đau bụng, tiêu chảy vì uống phải nước ép để quá lâu đã thiu. “Do đó tốt nhất nên uống hết trong vòng 15p ngay sau khi ép xong”, BS Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia lưu ý, cơ thể không chỉ cần mỗi nước ép để khoẻ mạnh. Có 2 dạng dinh dưỡng mà cơ thể cần là nhóm đa lượng (protein, lipid, glucid) và nhóm vi lượng (các vitamin và khoáng chất). Cơ thể cần được cung cấp đủ tất cả các thành phần này với một tỷ lệ hợp lý thì mới hoạt động khỏe mạnh được.
Do đó, BS Hà khuyến cáo, không có một thức ăn nào là toàn diện và có đẩy đủ các thành phần này, do đó cần phối hợp đa dạng các loại từ 8 nhóm thực phẩm:
Nhóm 1 - Lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn
Nhóm 2 - Nhóm hạt các loại: Đậu, đỗ, vừng, lạc
Nhóm 3 - Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa
Nhóm 4 - Nhóm thịt các loại, cá và hải sản
Nhóm 5 - Nhóm trứng và các sản phẩm của trứng
Nhóm 6 - Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ
Nhóm 7 - Nhóm rau củ quả khác.
Nhóm 8 - Nhóm dầu ăn, mỡ các loại
“Hàng ngày nên ăn ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm trên để đảm bảo tính đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nên kết hợp chế độ luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý: hoạt động ít nhất 150 phút với cường độ trung bình một tuần hoặc 75 phút hoạt động cường độ mạnh một tuần, ngủ 7-8h một ngày”, BS Ngọc Hà nhấn mạnh.
N. Huyền