Nữ công nhân khởi nghiệp từ ca cao, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng
Cách đây gần 20 năm, chị Nghi là công nhân nông trường cà phê Đức Lập (nay là Công ty Cà phê Đức Lập), nhận giao khoán, chăm sóc 9 sào ca cao. Đời sống công nhân khó khăn, lại không có đất sản xuất riêng, nên cùng với chăm sóc tốt vườn cây nông trường, nữ công nhân sẵn sàng nhận làm thêm các vườn ở vị trí không thuận lợi, vườn cây xấu với tổng diện tích 2,2 ha. Nhờ chịu khó đầu tư, cải tạo, các vườn giao khoán của chị Nghi luôn được ghi nhận là vườn có năng suất cao, cây khỏe đẹp nhất nông trường.
Chị Nghi thăm vườn ca cao của gia đình |
Xây dựng được vườn cây phát triển ổn định, với tư duy nhạy bén trong sản xuất, chị Nghi từng bước chuyển sang thu mua, sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ quả ca cao. Hiện tại cơ sở sản xuất ca cao của chị Nghi đưa ra thị trường 5 dòng sản phẩm chế biến sâu như ca cao bột, socola các loại... Cùng với đó, cơ sở cung cấp hàng tươi và làm hạt khô đã lên men cho các công ty chuyên sản xuất socola trong và ngoài nước, góp phần tiêu thụ trên 1.000 tấn quả ca cao tươi/năm cho người dân trong vùng. Ngoài ra, cơ sở chế biến ca cao của chị Nghi thường xuyên có từ 6-8 nhân công làm việc, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/ tháng.
Đóng gói các sản phẩm từ ca cao |
Khởi nghiệp từ công nhân, bởi vậy mà suốt quá trình làm nghề, chị Nghi luôn trân quý những thành quả lao động và bài học trong giai đoạn khó khăn. Cũng như chăm sóc vườn cây, chị Nghi tâm niệm, để có được sản phẩm tốt, người sản xuất phải chỉn chu từ khâu canh tác, đến thu hoạch-chế biến ra thành phẩm. Đặt cái tâm vào nghề cũng là cách để cơ sở của chị xây dựng niềm tin đối với khách hàng và không ngừng lớn mạnh trong những năm qua. Hiện tại, hoạt động chế biến, sản xuất ca cao đang mang về cho gia đình chị doanh thu cao, trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Cơ sở sản xuất chế biến ca cao nhà chị Nghi tạo việc làm cho nhiều lao động nữ |
Hiện tại, chị Nghi đang đặt mục tiêu hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm socola, bột ca cao phù hợp thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của khách hàng. “Mình phải chịu khó, yêu nghề, làm vì cái tâm, phải nghĩ điều tốt nhất hướng đến người tiêu dùng, chất lượng đặt lên đầu cùng với mạnh dạn tự tin thì sẽ thành công”, chị Nghi tâm niệm.
Theo chị Nguyễn Thúy Luân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Mil, trong thời gian qua, chị Nghi là một trong những gương phụ nữ khởi nghiệp thành công của huyện. Ngoài việc tạo công ăn, việc làm cho các chị em, chị Nghi còn tích cực, nhiệt huyết tham gia tất cả các phong trào do Hội Phụ nữ phát động. Chị Nghi còn tích cực hỗ trợ các sản phẩm để hội phụ nữ các cấp tham gia chương trình khởi nghiệp, trưng bày các sản phẩm do chị em khởi nghiệp tại địa phương.
Theo báo Đắk Nông