Niềm vui của thầy giáo cùng học trò đánh giậm bắt cá để... được đi học
Thầy Quách Đình Mã - cựu giáo viên trường Tiểu học Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) được biết đến là một người thầy luôn hết lòng vì học sinh. Thầy Mã chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của người theo nghiệp gõ đầu trẻ trong dịp Tết đến xuân về này có lẽ là được gặp lại những cô cậu học trò cũ. Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 3 Tết là nhà mình nhộn nhịp kẻ ra, người vào, toàn là học sinh cũ tới thăm”.
Thầy Quách Đình Mã - cựu giáo viên tại trường Tiểu học Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) |
Giờ đây, đã về hưu nhưng khi nhắc tới trường lớp, ánh mắt và gương mặt thầy Quách Đình Mã vẫn luôn ánh lên niềm tự hào. Hướng đôi mắt về phía xa xăm thầy nói: “Những ngày đầu xuân năm mới, điện thoại tôi đổ chuông liên tục. Toàn là cuộc gọi của học sinh cũ với những lời chúc Tết tuy quen thuộc nhưng ấm áp lạ thường. Có những cậu học trò còn hỏi những câu dễ thương như: “Thầy ơi, thầy nhận ra con là ai không?” Thế rồi, chúng lại nói những câu giận dỗi: “Con biết là thầy đã quên con mà”, rồi chúng buôn đủ thứ chuyện, thầy trò lại cười ngặt nghẽo với nhau. Hạnh phúc với nghề chỉ đơn giản thế thôi”.
Thầy Mã chia sẻ, thầy đến với nghề giáo bởi muốn dùng chút sức lực của mình, mang tới cho bọn trẻ nơi vùng quê nghèo khát chữ những tri thức mới của nhân loại, chắp cho chúng đôi cánh tập bay, dạy cho chúng những ước mơ cao đẹp hi vọng cuộc sống sau này của chúng bớt vất vả.
“Làm nghề giáo ở vùng nông thôn cũng có những sự ấm ấp và độc đáo riêng biệt vì phần lớn các em đều rất chân thành, giản dị. Những ngày Tết thế này, các cu cậu thường hay lấp ló ngoài cổng nhà thầy, rồi đẩy nhau vào trước vì xấu hổ. Chúng mang tới cho thầy nào bánh chưng, nào cân khoai...toàn những thứ nhà làm được. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm trái tim của một người cha, một người lái đò rưng rưng bao cảm xúc”, thầy Mã xúc động nói.
Gắn bó với nghề gần 40 năm, biết bao chuyến đò đã qua sông, biết bao học trò đã vươn tới mơ ước của mình có lẽ đó là niềm tự hào lớn nhất của người thầy vùng quê lúa.
Thầy Quách Đình Mã cùng con gái cũng theo nghề giáo |
“Còn nhớ, vào những năm 1960 Thái Bình còn nghèo lắm, nhiều gia đình cơm cũng chẳng đủ ăn, còn phải ăn độn củ khoai, củ ráy. Tôi có một cậu học trò rất thông minh, chịu khó. Ngặt một nỗi nhà lại nghèo, một hôm chờ các bạn về hết, cu cậu nán lại bước lên gặp mình bằng đôi mắt rưng rưng, tiếc nuối và xin nghỉ học vì nhà nghèo quá. Thú thực, lúc ấy khi nghe cu cậu nói mình như sét đánh ngang tai. Đau đớn, nuối tiếc khi nghĩ rằng một cậu bé như thế sẽ phải nghỉ học. Nếu được dạy dỗ, được học hành, cu cậu nhất định sẽ là nhân tài.
Rồi, tôi động viên con ngày mai cứ tới lớp, thầy sẽ nghĩ cách giúp con. Cả ngày hôm ấy, tôi đứng ngồi không yên vì chưa nghĩ ra cách gì giúp cu cậu. Đưa cu cậu về nhà nuôi? Không thể được vì mấy đứa con mình cơm ăn còn chưa no làm sao lo cho cu cậu được. Để cu cậu nghỉ học? Cũng không thể được vì như thế tôi sẽ có lỗi với tương lai của cu cậu.
Băn khoăn mãi, hôm sau lên lớp tôi hô hào các học sinh khác mỗi người ủng hộ cu cậu một nắm gạo. Rồi ngày ngày, sau giờ lên lớp, hai thầy trò ra đồng đánh giậm, bắt cá ra chợ bán. Cứ thế, cu cậu cũng lớn dần, rồi cuối cùng cậu cũng chọn theo nghề giáo và giờ đây cũng là hiệu trưởng một trường cấp ba nổi tiếng tại Thái Bình. Đó có lẽ là niềm an ủi, động viên lớn nhất của nghề giáo”, thầy Mã kể.
Tôi chợt hỏi: “Nếu thời gian quay trở lại, thầy vẫn chọn nghề giáo chứ?”. Thầy Mã nhìn tôi bằng ánh mắt đầy trìu mến, thân thương: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã đi con đường này. Nếu được chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn nghề lái đò đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai. Tuy không ít khó khăn, vất vả nhưng chỉ cần có một trái tim yêu thương, chia sẻ một lòng nhiệt huyết với nghề thì sẽ có biết bao niềm vui và hạnh phúc đang vẫy tay chào mình ở phía trước”.