Những thói quen gây ra căn bệnh tử vong hàng đầu ở Việt Nam
Đây là cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trước thực trạng ngày càng nhiều người trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch ở nước ta.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi số tử vong do ung thư năm 2020 là 122.600 trường hợp.
Những năm qua, các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch tại Việt Nam tăng nhanh chóng. Ví dụ bệnh tăng huyết áp, khoảng 25% - 47% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Đáng ngại, số người tăng huyết áp mà không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát tốt (điều trị, thay đổi lối sống) chỉ đạt khoảng 1/3.
Cùng đó, tỉ lệ đái tháo đường tuýp 2 tăng đáng kể, nhưng có tới 65% số người bị đái tháo đường hoàn toàn không biết mình mắc bệnh.
Theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành chiếm 25%, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lí tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cảnh báo, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chiếm tới 75%, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt ở nước ta, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhiều trong 20 năm trở lại đây, tương tự gần như các nước phát triển. Đó là sự nổi lên của các bệnh không lây nhiễm thay vì các bệnh truyền nhiễm như trước.
“Theo nghiên cứu, số người sau 18 tuổi bị tăng huyết áp chiếm đến 1/3 dân số. Số người trẻ bị bệnh tim mạch tăng rất cao.
Sự thay đổi này là do nhiều yếu tố, trong đó có lối sống như chế độ ăn không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen lười vận động… Tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công việc căng thẳng stress tinh thần cũng làm gia tăng bệnh lý tim mạch", PGS Hiền cho hay.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng nêu ra thực trạng khó khăn của việc điều trị ở Việt Nam cũng như thế giới là nhu cầu thực tế cao trong khi giới hạn của cung ứng dịch vụ về y tế còn hạn chế. Đặc biệt, nước ta còn thiếu cơ sở vật chất, sự hiểu biết đặc biệt đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về bệnh lý tim mạch còn thiếu. Hiểu biết chung trong cộng đồng cư dân chưa đồng đều giữa các vùng.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng, hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe.
Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
Đặc biệt, để phòng bệnh, PGS. TS Nguyễn Sinh Hiền cũng lưu ý mỗi người dân cần trang bị các kiến thức về các bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, hạn chế căng thẳng, có cuộc sống thể chất và tinh thần hài hòa…
Ngoài ra, người dân đặc biệt các bạn trẻ cũng cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn mặn chỉ ăn dưới 5g muối/ngày, tăng cường nhiều hoa quả, rau xanh, hạn chế chất béo có hại, đồ ăn ngọt…
N. Huyền