Loại quả đang vào vụ, tốt cho tim mạch, chống ung thư nhưng ai không nên ăn?
Các chất dinh dưỡng trong quả đào giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ tim mạch...
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, quả đào có hương vị thơm ngon, được nhiều người yêu thích với giá trị dinh dưỡng phong phú.
Ngoài nhiều vitamin và khoáng chất, hàm lượng calo thấp ra, đào cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm tất cả năm phân loại của carotenoid; là một nguồn cung cấp vitamin A và vitamin C tuyệt vời, cùng với chất xơ có lợi. Điều đó khiến cho đào trở thành một loại trái cây giúp tăng cường sức khỏe và chống lại bệnh tật.
Một quả đào cỡ trung bình (đường kính khoảng 5cm) chứa khoảng: 59 calo; 14g carbohydrate; 1,4g protein; 0,4g chất béo; 2,3g chất xơ; 10 mg vitamin C; 489 IU vitamin A; 285 mg kali, 14 mg magie; 0,4 mg sắt…
Ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch
Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang một trong những phẩm chất tuyệt vời nhất của đào là có chứa lượng chất chống oxy hóa cao. Quả đào có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có tác dụng lâu dài trong việc chống lại bệnh tật và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể.
Khi các gốc tự do có thể hoạt động trong các hệ thống khác nhau của cơ thể, chúng có thể gây stress oxy hóa, góp phần gây ra bệnh tật và sự phân hủy tế bào ở nhiều cấp độ.
“Một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa là cách bảo vệ tự nhiên tốt nhất giúp chống lại các tác hại do các gốc tự do gây ra. Trên thực tế, nhiều loại nước ép trái cây (trong đó có nước ép đào tươi) bắt đầu quá trình giảm stress oxy hóa chỉ trong 30 phút sau khi uống.
Axit caffeic là một chất chống oxy hóa đặc biệt được tìm thấy với hàm lượng cao trong quả đào. Hoạt chất này giúp bảo vệ cơ thể khỏi độc tố nấm mốc gây ung thư nguy hiểm thường được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như lạc, ngô bị hư hỏng.
Hơn bất kỳ chất chống oxy hóa nào khác đã được thử nghiệm, axit caffeic phá hủy việc sản xuất aflatoxin, làm giảm nó tới 95%”, TS Phùng Tuấn Giang cho hay.
Một tác dụng không ngờ khác đến từ thứ quá được bày bán rất nhiều ngoài chợ đó là phòng chống ung thư.
TS Phùng Tuấn Giang cho biết, quả đào được xếp vào một trong những loại thực phẩm chống ung thư tốt nhất hiện nay.
Theo một nghiên cứu năm 2014, polyphenol trong đào đã ức chế thành công sự phát triển và di căn của ít nhất một chủng tế bào ung thư vú. Các chuyên gia khuyên bệnh nhân ung thư vú nên ăn 2 - 3 quả đào mỗi ngày.
Loại quả đang vào vụ, tốt cho tim mạch nhưng ai không nên ăn? |
Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những polyphenol này không chỉ làm chậm sự phát triển của ung thư vú mà còn tiêu diệt chính những tế bào ung thư đó mà không gây hại tới bất kỳ tế bào khỏe mạnh nào.
Axit caffeic, chất chống oxy hóa có rất nhiều trong quả đào, có thể ức chế ung thư biểu mô sợi. Đào cũng giúp làm chậm sự phát triển của bệnh ung thư đại trực tràng.
Không chỉ có phần cùi và vỏ của quả đào có lợi đối với việc chống ung thư. Trong y học cổ truyền, hạt đào (đào nhân) đã được sử dụng trong hàng nghìn năm để điều trị nhiều bệnh (tác dụng phá huyết, hành ứ, nhuận táo, thông tiện).
Năm 2003, các nhà khoa học phát hiện ra các hợp chất trong hạt đào làm giảm sự phát triển của u nhú trên da và làm chậm quá trình các khối u lành tính phát triển thành ung thư.
Một tác dụng phụ nguy hiểm của loại hóa chất trị liệu ung thư cisplatin là nhiễm độc gan. Tuy nhiên, khi cisplatin được sử dụng cùng với vỏ quả đào, mức độ tổn thương của gan đã giảm đáng kể trong một nghiên cứu năm 2008 ở Hàn Quốc.
Không những thế, quả đào là loại quả rất tốt cho những người mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch.
“Các nghiên cứu trên bệnh tiểu đường, cholesterol, viêm nhiễm và tăng cân cho thấy tác dụng của quả đào. Một nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc thay thế đồ uống có đường bằng nước ép đào tự nhiên có nhiều polyphenol và phát hiện ra rằng nó có tác động đáng kể đến các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu lâm sàng ở Trung Quốc đã đánh giá tác dụng của việc tiêu thụ nhiều bioflavonoid hơn từ trái cây, bao gồm cả đào và phát hiện ra rằng các chỉ số lipid máu của các đối tượng đều cho thấy sự cải thiện, đặc biệt ở phụ nữ”, TS Phùng Tuấn Giang thông tin.
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cũng thông tin đào có tác dụng giúp giảm mức độ viêm trong cơ thể. Các họat chất trong đào ngăn chặn việc sản xuất các cytokine gây viêm và ngăn chặn việc giải phóng histamine trong máu gây ra các phản ứng dị ứng.
Cùi và vỏ tươi từ quả đào có khả năng chống lại chứng viêm gây chết tế bào trong cơ thể, khiến quả đào trở thành thực phẩm chống viêm tuyệt vời.
Ai không nên ăn?
Dù dinh dưỡng từ đào là một bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống của chúng ta, nhưng TS Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh vẫn có tỷ lệ nhỏ người bị dị ứng với đào.
Phản ứng thường nhẹ mà hầu hết mọi người gặp phải được gọi là hội chứng dị ứng miệng (xảy ra khi cơ thể có sự nhầm lẫn giữa protein có trong thực phẩm với protein của phấn hoa).
Đặc biệt, hạt đào có một lượng nhỏ xyanua (hoá chất cực độc PV), tuy lượng đó không đủ để gây hại cho cơ thể trong thời gian ngắn, nên nếu vô tình ăn nhiều hạt đào và có các biểu hiện bất thường cần phải gặp bác sĩ ngay. Đào nhân được dùng làm thuốc cũng cần được thầy thuốc chỉ định và kê đơn, không nên tự ý sử dụng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý không nên ăn quá nhiều đào. Theo đó, mỗi người chỉ nên ăn một quả đào mỗi ngày là đủ, nếu bạn ăn quá nhiều sẽ làm tăng lượng calo, dẫn đến thừa năng lượng, nó sẽ gây nóng và khó chịu, không có lợi cho sức khỏe.
Hơn thế, quả đào có chứa một lượng đường lớn (cứ 100 gram đào chứa 7 gram đường). Do đó, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn loại quả này.
Đặc biệt, người bị nóng trong với những triệu chứng như: miệng khô, đau họng, chảy máu cam… tốt nhất là không ăn để tránh tình trạng nóng nhiệt càng nghiêm trọng hơn.
TS. lương y Phùng Tuấn Giang cho rằng, quả đào nên được sử dụng khi còn tươi để có được lợi ích tốt nhất. Đào đông lạnh và đào đóng hộp tuy có thể giúp bảo quản lâu hơn nhưng lại mất khoảng 21% lượng chất chống oxy hóa.
N. Huyền