Những thành công của Đức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU
Tờ Handelsblatt của Đức nhận định, trong sáu tháng Đức tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ Croatia, nước này đã đạt được những kết quả đáng chú ý.
Theo đó, bất chấp đại dịch Covid-19, Berlin đã có công trong việc đạt được Thỏa thuận đầu tư toàn diện với Trung Quốc, thỏa thuận hậu Brexit với Anh, thông qua ngân sách cho EU và các mục tiêu về khí hậu đầy tham vọng hơn. Tuy nhiên, vấn đề người tị nạn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Bị xé nát bởi những mâu thuẫn, chỉ bận tâm đến bản thân, thường thiếu quyết đoán là những đặc điểm thường được gán cho Liên minh Châu Âu”, Handelsblatt viết. Tuy nhiên, đặc điểm này được chia sẻ chủ yếu bởi chính những người châu Âu, hoàn toàn trái ngược với những thành công gần đây. Theo báo cáo của Handelsblatt, kết quả của nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đức, kết thúc vào đêm giao thừa chắc chắn rất đáng chú ý.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết ứng phó với đại dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên của Đức trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. (Ảnh: Reuters) |
EU và Trung Quốc ký kết thỏa thuận đầu tư toàn diện
Handelsblatt cho rằng, thỏa thuận đầu tư toàn diện với Trung Quốc, hiệp định hợp tác thương mại với Anh, thông qua ngân sách của EU, vốn bị Hungary và Ba Lan phong tỏa, chắc chắn là những thành công đối với Đức. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chương trình nghị sự của chính phủ Đức vào thời kỳ đầu của nhiệm kỳ.
Ngay trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel hết nhiệm kỳ, một trong những mục tiêu chính đã đạt được là hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI), cho đến nay chỉ là cơ sở để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh công bằng hơn cho các công ty EU tại Trung Quốc. Thỏa thuận này, cần rất nhiều nỗ lực để đạt được, mặc dù không thể chối cãi các cuộc đàm phán giữa Brussels và Bắc Kinh đã diễn ra trong khoảng 7 năm.
Handelsblatt lưu ý rằng, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là bước đột phá được tạo ra nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa bà Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong quá trình đàm phán thỏa thuận. Ngoài ra, may mắn cũng đóng một vai trò rất quan trọng khi Trung Quốc “háo hức” ký kết một thỏa thuận với EU trước khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.
Đồng thời, theo Handelsblatt, sự hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch EC von der Leyen, Đức, với sự hỗ trợ của Pháp, đã “tự làm một món quà” vào lễ Giáng sinh dưới hình thức là thỏa thuận hậu Brexit với Anh. Điều này rất có lợi cho 27 nước thành viên, đặc biệt là Đức với nền kinh tế xuất khẩu mạnh.
“Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn như BMW của Đức là một trong những công ty đầu tiên gửi lời chúc mừng đến Anh. Sự hỗn loạn lớn ở hai bên con kênh đã tan biến, mặc dù thực tế vẫn còn nhiều nghi vấn”, Handelsblatt cho biết.
Gói hồi kinh tế trị giá 750 tỉ Euro
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm hỏng kế hoạch của bà Merkel cho vị trí Chủ tịch Hội đồng EU. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã cho phép đạt được một thỏa thuận lịch sử để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch, Liên minh châu Âu đã tạo ra một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỉ Euro. Lần đầu tiên trong lịch sử, khoản nợ sẽ được trả bằng nỗ lực chung của tất cả các quốc gia. Handelsblatt cho rằng điều này không nghi ngờ gì là một bước ngoặt, nhưng lại bị hầu hết các thành viên EU nhìn nhận với sự hoài nghi.
Có nhiều bất đồng giữa các nước Nam Âu đòi số tiền lớn cho các khoản nợ chung và các nước Bắc Âu vốn đã từ chối trong một thời gian dài. Đức là công cụ để đạt được một thỏa hiệp. Vào cuối năm, tranh chấp về cái gọi là cơ chế pháp quyền và kế hoạch tài chính dài hạn cũng đã được giải quyết với Hungary và Ba Lan.
Trước đó, khi Đức nhậm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào ngày 1/7, không có chiến lược dài hạn nào để đối phó với đại dịch. Berlin đã khéo léo sử dụng chính những cú “sốc và sự thất vọng” của các biên giới đóng cửa vào mùa xuân để phát triển một chiến lược tổng thể về mua sắm và phân phối vắc-xin. Cụ thể, Ủy ban châu Âu đã có thể mua vắc-xin cho tất cả 27 quốc gia thành viên để bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đồng thời tại tất cả các nước EU vào dịp Giáng sinh, chiến dịch này chủ yếu được các nước EU nhỏ, ít tiềm lực tài chính và không sản xuất dược phẩm đánh giá cao.
Chính sách về biến đổi khí hậu
Theo Handelsblatt, Liên minh châu Âu dưới sự chủ trì của Hội đồng EU đã có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu, ít nhất là về mặt đặt ra mục tiêu. Tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12, Đức đã có thể thúc đẩy việc thông qua mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trước đây mốc này là 40%. Thủ tướng Đức đã ủng hộ vô điều kiện các kế hoạch của Chủ tịch EC von der Leyen nhằm đạt được sự trung lập về khí hậu của EU vào năm 2050, bất chấp sự phản đối của một số nước Đông Âu.
Chính sách về người di cư và tị nạn
Cuối cùng, về vấn đề người tị nạn vẫn chưa được giải quyết. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thừa nhận rằng: “Tôi muốn tiến xa hơn, nhưng do sự phong tỏa của các quốc gia riêng lẻ nên điều đó là không thể”.
Vào tháng 9, Ủy ban Châu Âu đã công bố chính sách mới về nhập cư và tị nạn. Điểm quan trọng nhất của Hiệp ước di trú mới là đề xuất bỏ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Mỗi năm, EC sẽ xem xét và đưa ra con số người nhập cư phải tiếp nhận dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số và năng lực thực tế của từng thành viên. Quy định mới được cho là giải tỏa bế tắc lâu nay, khi một số nước EU phản đối quy chế phân bổ tiếp nhận người tị nạn vì nó cứng nhắc và thiếu công bằng.
Thay vào đó, EC đưa ra điều khoản hoán đổi. Theo đó, các nước thành viên không tự nguyện tiếp nhận thêm người tị nạn sẽ phải tăng đóng góp tài chính, chủ yếu để chi trả cho việc trục xuất người di cư. Mức đóng góp được tính toán theo khả năng kinh tế và quy mô dân số của từng thành viên. Quy định mới được xem là nhằm giảm sức ép cho những nước tuyến đầu, qua việc kích hoạt cơ chế “đoàn kết bắt buộc”, các thành viên phải lựa chọn hoặc tiếp nhận người di cư, hoặc hỗ trợ những nước tiếp nhận.
Để giảm bớt gánh nặng cho các nước, Ủy ban châu Âu sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhân người tị nạn số tiền 10.000 Euro cho mỗi người tị nạn mà nước đó nhận về và 12.000 Euro nếu đó là trẻ vị thành niên. Theo EC, Hiệp ước di cư và cư trú mới sẽ tạo khởi đầu mới, đem đến cơ hội mới để củng cố và đề cao giá trị nhân đạo của EU, khẳng định năng lực của khối bảo đảm các quyền cơ bản cho người tị nạn.
Thanh Bình (lược dịch)