Những cái chết thương tâm do đặt máy phát điện trong phòng kín
Khi đưa một máy nổ vào phòng rồi đóng kín cửa, máy hoạt động, động cơ thải ra lượng CO và phòng thiếu ôxy gây nên ngộ độc khí CO, nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Mới đây, câu chuyện của hai mẹ con chị B.T.T. (SN 1993, ngụ phố Mới, thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và cháu N.T.P. (SN 2019, con trai chị T.) tử vong do ngạt khí CO gây xôn xao dư luận.
Thông tin ban đầu, tối ngày 8/5, trên địa bàn huyện Gia Viễn bị mất điện nên gia đình chị T. đã chạy máy phát điện để sử dụng các thiết bị điện trong khi ngủ. Đến sáng ngày 9/5, người giúp việc không thấy mẹ con chị T. dậy nên vào tìm thì tá hỏa hai mẹ con chị T. nằm bất động trên giường. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng cả hai mẹ con chị T. đã tử vong.
Mùa hè năm 2019, một gia đình ở quận Thủ Đức, TP.HCM sử dụng máy phát điện. Kết quả nhiều người thương vong vì ngạt khí (trong đó có một cháu nhỏ tử vong).
Ảnh minh họa. |
Gia đình ông Lê Văn Mười Hai (65 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM là nạn nhân của vụ việc trên. Buổi sáng, ông Hai đi uống cà phê. Sau 2 lần về nhà vào lúc 9h và 11h, ông gọi cửa nhưng không có ai trả lời. Vì nghĩ người thân ngủ nên ông tiếp tục đi ra ngoài.
Đến 13h cùng ngày, khi ông Hai quay về gọi, cháu trai 5 tuổi ra mở cửa. Thấy cháu bé nói không thành tiếng, người mệt lả nên ông chạy vào nhà, đồng thời hô hoán hàng xóm cứu giúp. Vào bên trong, ông phát hiện vợ là bà Trần Thị Phụng (61 tuổi) cùng 5 người cháu nằm mê man do ngạt khí.
Các bác sĩ cho biết, nhiều tình huống ở không gian kín như phòng ngủ, phòng làm việc, trong xe hơi, kho hàng... có cửa thông gió hẹp. Ở đó, mọi người vẫn có thể sinh hoạt bình thường, tuy nhiên vì một lý do nào đó vô tình con người đã mang vào không gian chật hẹp này một trong những đồ dùng sinh khí độc đã dẫn đến những cái chết thương tâm. Thậm chí người bệnh tử vong vì sơ cứu chưa đúng cách.
Loại máy nổ hiện nay là loại động cơ đốt trong tức là sử dụng nhiên liệu xăng hoặc dầu. Nhiên liệu được đốt cháy trong buồng đốt (xy lanh) là hỗn hợp cacbuahydro sau khi cháy sinh ra một lượng nhiệt năng lớn và cho sản phẩm cuối cùng là khí carbonic (CO2) và nước. Trong quá trình đốt cháy, không phải tất cả đều cháy hết và cho sản phẩm cuối cùng CO2 mà có nhiều phần cháy dở (cháy không hoàn toàn do xăng dầu không tiếp xúc hoặc không đủ lượng ôxy cần thiết) nên cho sản phẩm cháy dở là khí carbon monoxid (CO).
Theo thầy giáo Lê Văn Đăng – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Sư phạm TP.HCM khí CO (cacbon oxit hay cacbon monoxit) được thải ra trong quá trình vận hành của máy nổ.
Khí CO không màu, không mùi, nhẹ hơn không khí một chút, là chất khí rất độc mà lại rất khó phát hiện. Carbon monoxide chủ yếu gây ra các phản ứng bằng cách kết hợp với hemoglobin trong máu để hình thành carboxyhemoglobin (HbCO) ngăn ngừa máu vận chuyển ôxy.
Khí CO được tạo ra trong quá trình đốt cháy không đầy đủ chất hữu cơ; điều này có thể xảy ra từ xe có động cơ, lò sưởi bằng than, bếp than tổ ong, hoặc thiết bị nấu ăn chạy bằng nhiên liệu các bon.
Ông Đăng cho rằng cách phòng tránh ngộ độc khí CO tốt nhắt là không để xe hơi hoặc xe máy nổ máy trong gara, trong nhà; ngay cả khi mở cửa, không đặt máy phát điện trong nhà, hay ở gầm sàn nhà, không được đốt than, củi trong nhà, trong lều, trong xe đóng kín cửa, không dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm. Không bao giờ sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ. Trong trường hợp ngạt khí do hỏa hoạn, nạn nhân cần tìm khăn ướt ấp ngay vào mũi để bảo vệ đường hô hấp trong khi tự tìm cách thoát ra hoặc chờ người đến cứu.
Khánh Chi