Nhiều người lướt sóng bán trao tay, giá đất Thanh Trì "nhảy giá" liên tục
Sau 4 năm, giá đất đấu giá ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tăng từ mức 30-40 triệu đồng lên 80-100 triệu đồng/m2; đất thổ cư có nơi giá 60 triệu đồng/m2...
Giá đất ở huyện Thanh Trì tăng từ 10-20% trước thông tin huyện sẽ lên quận vào năm 2023. |
Khó tin: Đất trong ngõ cũng đội giá gấp đôi
Thông tin huyện Thanh Trì phấn đấu xây dựng kế hoạch lên quận vào năm 2023, thay vì năm 2025 như phê duyệt của Thành ủy Hà Nội khiến giá đất nhiều khu vực tăng mạnh, nhất là khu vực đất đấu giá. Đất thổ cư trong làng, xã có nơi cũng tăng hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông so với thời điểm 3-4 năm trước.
Theo khảo sát của PV Infonet, tại xã Tứ Hiệp là xã gần trung tâm huyện Thanh Trì nhất, để tìm được mảnh đất thổ cư có giá dưới 30 triệu đồng/m2 khá khó.
Đơn cử, mảnh đất 70m2 đã có sổ đỏ, nằm trong ngõ ở thôn Cổ Điển A đang được chủ đất rao bán 45 triệu đồng/m2. Hay một mảnh đất nằm trong ngõ sâu ngoằn nghèo hơn, diện tích 42m2, mặt tiền 3m cũng đang được rao bán giá 42 triệu đồng/m2.
Tương tự, mảnh đất gần 60m2 trong ngõ có mặt tiền trên 3m ở thôn Cổ Điển B đang được chủ đất rao bán với giá 34 triệu đồng/m2.
Sau 4 năm, đất khu đấu giá xã Tứ Hiệp tăng từ 30-40 triệu đồng/m2 lên 80-100 triệu đồng/m2. |
Theo người dân ở thôn, năm 2017 – 2018, giá đất nơi đây chỉ khoảng 19-22 triệu đồng/m2, thì nay bán giá 38-40 triệu đồng/m2, còn mảnh đẹp trước chỉ 30-35 triệu đồng/m2 thì nay 45-60 triệu đồng/m2, tùy vị trí đường to nhỏ. Giá đất tăng lên cũng do việc mua đi bán lại và những gia đình có đất thổ cư để bán cũng không còn nhiều.
Còn tại những khu đất đấu giá, hiện một số mảnh đất diện tích từ 85m2, 96m2... đang có giá rao bán 70-80 triệu đồng/m2; thậm chí có mảnh giá gần trăm triệu đồng mỗi mét.
Ở những khu vực xa trung tâm huyện hơn như Nhị Châu, xã Liên Ninh giá đất rao bán dao động từ 18-40 triệu đồng/m2, tùy vị trí và diện tích. Hay ở Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, giá đất dao động từ 25 – 57 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
PV tiếp tục đi xuôi xuống khu vực xã Vạn Phúc, trong vai tìm mảnh đất để an cư, khi hỏi trực tiếp người dân để có mức giá bán xác thực nhất.
Chị H. ở thôn 3, xã Vạn Phúc dẫn PV đi xem một số khu đất của người quen đang có nhu cầu bán. Theo đó, 1 mảnh đất có diện tích 50m2, hình chữ nhật, đã có sổ đỏ, nằm trong ngõ đường làng khá rộng, ô tô đi được đang được chủ nhà rao bán mức giá 25 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, đất nằm trên mặt đường lớn ở thôn 3, xã Vạn Phúc, người dân cho biết giá khoảng từ 45-47 triệu đồng/m2, nhưng những nơi như này không có đất mà mua vì người dân ở đây không ai bán mà họ để kinh doanh hoặc cho thuê.
Với mong muốn xem mảnh đất có giá rẻ nhất ở khu vực, chị H. dẫn PV đến khu đất có tên khu tập thể của Công ty Công trình đường thủy. Giá đất khu vực này chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 và hiện đang có một mảnh 30m2 và 66m2 có nhu cầu bán. Song, theo lời chị H., tất cả các mảnh đất ở đây đều không có sổ, nhưng được xây dựng nhà ở thoải mái.
Giá đất còn tăng nữa?
Đất nằm trên mặt đường lớn ở thôn 3, xã Vạn Phúc có giá 45-47 triệu đồng/m2 nhưng người dân cũng không có nhu cầu bán. |
Trao đổi với ông Bùi Mạnh Linh – Giám đốc Công ty Bất động sản Thuận An, có văn phòng môi giới bất động sản ở khu vực huyện Thanh Trì, ông Linh cho biết, đất khu vực xã Tứ Hiệp đã được các nhà đầu tư mua nhiều từ lâu, từ năm ngoái giá đất khu vực này đã tăng khoảng 15% và bây giờ giá đất vẫn đang tăng lên.
Đặc biệt, khu đất đấu giá Tứ Hiệp, các nhà đầu tư đã mua và "om" đến giờ và họ tự "quyết" giá nên cứ người nọ bán cho người kia khiến giá đất ở khu vực này “nhảy” liên tục.
“Năm 2017, đất khu đấu giá xã Tứ Hiệp chỉ khoảng 30-40 triệu đồng/m2, nhưng đến bây giờ, sau 4 năm giá đất khu vực này trên thị trường đã lên tới 80-100 triệu đồng/m2. Giao dịch ở mức giá này là có thật, nhưng người mua để về ở thì không có mà chủ yếu là nhà đầu tư mua đi bán lại với nhau, hiện vẫn chỉ là đất cỏ để bỏ không. Phải 5-10 năm nữa tỷ lệ lấp đầy khu đất đấu giá Tứ Hiệp mới đạt được”, ông Linh cho hay.
Cũng theo vị giám đốc này, các khu vùng ven huyện Thanh Trì như xã Vạn Phúc, Đại Áng, Đông Mỹ... giá đất bị “đẩy” cao hơn so với mặt bằng giá trên thị trường.
Ông Linh dẫn ví dụ, ở thôn 3 Vạn Phúc, giá đất trước đây chỉ tầm 18-19 triệu đồng/m2 nhưng hiện giờ đã bị đẩy lên mức 23-25 triệu đồng/m2. Còn mức giá giao dịch được thực hiện theo nhu cầu thực chỉ dưới 20 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, đất khu vực Đại Áng gần như đang bị đẩy quá cao, giá ngang ngửa khu vực xã Tứ Hiệp. Hiện đất thổ cư của người dân ở Đại Áng bán ở mức 30-60 triệu đồng/m2, tùy vị trí trong ngõ hay mặt đường.
Không tiết lộ con số giao dịch cụ thể, nhưng ông Linh cho biết, số lượng khách tìm mua đất có nhu cầu ở thực tại văn phòng hiện tăng 10-20% so với cùng kỳ năm trước.Trong khi đó, theo ông Linh, nhu cầu thực của người mua để ở thường tìm đến những mảnh có giá từ 1-2 tỷ đồng, tập trung một số xã như Tứ Hiệp, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Liên Ninh... là những xã nằm dọc trục Quốc lộ 1A, thuận tiện cho việc di chuyển lên khu vực trung tâm.
Theo đánh giá của ông Linh, so với các huyện cũng sắp lên quận như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, giá đất ở huyện Thanh Trì vẫn thấp nhất. Và với số tiền 1-2 tỷ đồng, nhiều người vẫn có thể lựa chọn mua đất ở khu vực Thanh Trì, trong khi nếu đi lên một chút ở quận Hoàng Mai thì cũng số tiền đó khó có thể mua được mảnh đất nào.
Từ nay đến khi huyện Thanh Trì chính thức lên quận, giá đất trên phương diện rao bán có thể nhích lên ăn theo việc "lên đời".
“Giá đất khu vực huyện Thanh Trì sẽ có thể tăng thêm 10% ở khu vực trung tâm do quỹ đất không còn nhiều. Còn những khu vực ven trung tâm huyện, giá quá chênh so với khu trung tâm nên vẫn có khả năng tăng cao hơn nữa”, vị môi giới này đánh giá.
Minh Thư
Giá đất Đông Anh “nhảy múa”, nửa đêm vẫn có người đập cửa hỏi mua
Trước thông tin Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được công bố vào tháng 6 tới, giá đất một số khu vực như Xuân Canh, Hải Bối…(huyện Đông Anh, Hà Nội) trong làng có nơi chỉ 21-29 triệu đồng/m2 nhưng có nơi 45-70 triệu đồng/m2.