Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển biến tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực
Sau hơn 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU.
Trong đó, điển hình là thủy sản, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với hồi tháng 7. Những mặt hàng tăng nhiều nhất là tôm và mực.
Cụ thể, trong tháng 8, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú đông lạnh của Việt Nam đang được hưởng mức thuế 0%, so với mức thuế GSP (là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho nước đang phát triển) 4,2% được áp dụng trước đó. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhiều nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.
Đến cuối tháng 8/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân EU.
Do đó, để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng EU, các sản phẩm thủy sản Việt Nam cần được chứng nhận, đảm bảo được truy xuất được nguồn gốc và an toàn và vệ sinh thực phẩm.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển biến tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực. |
Trong tháng 8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...
EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng hàng hóa của chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU. Do vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu còn nhiều.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cho hay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, tăng 8%.
Xuất khẩu tăng tốt trong tháng vừa qua chủ yếu do Công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,5%.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 174 tỷ USD, tăng 1,6%, trong khi nhập khẩu đạt 162,2 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Việc nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu đã giúp cán cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu lớn (đạt 11,9 tỷ USD trong 8 tháng, riêng trong tháng 8 xuất siêu 3,5 tỷ USD).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng với kim ngạch đạt 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với mức tăng 13%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 4%; ASEAN giảm 13,6%; Nhật Bản giảm 6%; Hàn Quốc giảm 1,5%.
Hiền Anh