Nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Hiện nay, ai cũng có thể nhìn thấy một thực tế là bên cạnh những lợi ích to lớn do internet mang lại thì những nguy cơ về mất an toàn thông tin đối với trẻ em luôn hiện hữu, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này đòi hỏi gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải có những giải pháp để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ luật như: Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018.
Một sáng kiến gần đây để nâng cao nhận thức cho trẻ em trên không gian mạng phải kể đến như cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin năm 2022”. Cuộc thi này được chuẩn bị kỹ trong 2 năm và đã được học sinh Trung học cơ sở trên cả nước hưởng ứng nhiệt liệt với gần 700.000 thí sinh tham gia.
Cuộc thi hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng. Ngoài ra, cuộc thi còn trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết hoặc có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Cuộc thi cũng cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho các em học sinh, tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin năm 2022” thực sự đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh của các trường THCS trên cả nước và trở thành dịp để các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo có thêm hiểu biết, kiến thức để có thể sử dụng không gian mạng một cách an toàn và hữu ích.
Với sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước và sự chung tay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin năm 2023” đang được khẩn trương chuẩn bị.
Hay như vừa qua, thành phố Hà Nội có tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” tại các cơ sở giáo dục THCS, THPT của thành phố góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ về sử dụng mạng xã hội an toàn.
Trong cuộc thi, các nguyên tắc, quy định được “mềm hóa” thông qua nhiều câu hỏi xoay quanh kiến thức, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng nên tạo không khí sôi nổi, hào hứng tìm hiểu đối với học sinh.
Đây được đánh giá là một cuộc thi rất cần thiết và mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nhiều trường học đã tổ chức họp hội đồng và phát động cuộc thi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Đồng thời giao cho chi đoàn nhà trường là những thầy cô thành thạo, nhanh nhạy về công nghệ thông tin đảm nhận thực hiện tác phẩm dự thi.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có rất nhiều sản phẩm công nghệ giúp bố mẹ tạo “lá chắn” để bảo vệ con em mình trên không gian mạng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho dù các sản phẩm công nghệ thông tin hỗ trợ trẻ em trên mạng như thế nào thì sản phẩm đó phải đồng hành, đồng thuận và thân thiện với trẻ em và quan trọng là có giải pháp tạo ra "vắc xin số" cho từng nhóm trẻ để trẻ sẵn sàng chia sẻ những vấn đề gặp phải trên môi trường mạng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người thì vấn đề bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng thời gian qua đã có nhiều giải pháp được thực thi nhưng giáo dục phải đi trước một bước. Theo đó, bên cạnh các giải pháp công nghệ, các nhà quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giáo dục để bảo vệ an toàn, an ninh mạng cũng như giáo dục trí thông minh kỹ thuật số cho trẻ em ngay từ các cấp mầm non, tiểu học.
Hoàng Thanh