Nguyên nhân khiến phổ điểm môn tiếng Anh cực thấp
Nhiều học sinh "chết" môn tiếng Anh là do không chịu học? |
Do học sinh không chú trọng ngoại ngữ
Được coi là “top” cuối của thành phố Hà Nội, trường THPT Bất Bạt năm nay có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp không cao. Thầy Hoàng Châu Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp chỉ đạt 61% và ngoại ngữ là một trong những môn khiến các em không đủ điểm tốt nghiệp.
Lý giải điều này, Thầy Phùng Công Anh (tổ trưởng Bộ môn Ngoại ngữ) trường THPT Bất Bạt (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng: Là một trong số những trường có chuẩn vào lớp 10 thấp nhất thành phố Hà Nội, trong khi các em chỉ phải thi 2 môn Toán – Văn nên có thể nói đầu vào nói chung và ngoại ngữ nói riêng của học sinh trong trường tương đối thấp.
Phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay gây sốc cho nhiều người, bởi rất nhiều học sinh chỉ đạt mức từ 2,5 điểm đến 4 điểm, trong đó đỉnh của phổ điểm nằm ở điểm số 2,5 |
“Các em hầu hết là học sinh nông thôn, miền núi, điều kiện kinh tế gia đình hạn chế không thể học thêm. Hơn nữa bản thân các em cũng không chú ý đến việc học ngoại ngữ vì thế mặc dù các em đều được học từ bậc THCS nhưng kiến thức rất hổng nên lên bậc THPT lại trở về số 0 tròn trĩnh. Với thực tế này, chúng tôi dù rất tâm huyết, mong đẩy các em lên nhưng thú thật là để biến từ 0 điểm đến 5 điểm là cả một câu chuyện không hề dễ dàng”- thầy Anh suy tư.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác theo thầy Anh, với cách gộp 2 kỳ thi làm một và ra đề như thế này sẽ làm khó cho học sinh nông thôn, miền núi. Bởi nếu so với đề thi tốt nghiệp mọi năm, đề thi năm nay khó hơn rất nhiều.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Infonet “điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ của học sinh trong trường thấp ngoài nguyên nhân học sinh “dốt” phải chăng còn là do năng lực của giáo viên không đáp ứng được yêu cầu?”, thầy Anh khẳng định, tổ ngoại ngữ có 7 giáo viên, trong đó có một số đào tạo không chính quy nhưng đều đã được chuẩn hóa nên đủ khả năng dạy các em theo đúng yêu cầu mà ngành đề ra. Tuy nhiên, thầy Anh vẫn nhắc lại nguyên nhân là “không có bột” nên rất khó để “gột nên hồ”.
Bản thân đề thi không có lỗi, lỗi là do năng lực của giáo viên
Không đồng tình với quan điểm trên, một giảng viên trường ĐH Ngoai ngữ - ĐH Quốc gia cho rằng, các thầy cô không nên đổ lỗi cho học sinh.
Đề thi tiếng Anh năm nay, theo vị giảng viên này đánh giá khá phù hợp, đủ để phân loại học sinh xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Bản thân đề thi không có lỗi. Điều chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn vào đó là năng lực giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay có vấn đề, nếu không nói quá yếu.
Giảng viên này cho biết đã từng tham gia dự án đào tạo giáo viên ngoại ngữ vùng sâu vùng xa cho ngân hàng thế giới và nhận thấy trình độ ngoại ngữ vùng miền núi, nông thôn rất kém. Bởi những người được đào tạo ngoại ngữ bài bản để trở thành giáo viên ngoại ngữ sẽ không làm đúng nghề (vì lương quá thấp). Vì thế giáo viên dạy ngoại ngữở các tỉnh hầu như chuyển từ những tiếng khác sang (từ tiếng Nga đi học tại chức tiếng Anh rồi dạy tiếng Anh…), còn miền núi thì đi học theo dạng cử tuyển 3 tháng, 6 tháng rồi trở về.
“Tôi đã từng đi khảo sát ở Lai Châu, trong một bản mới có một giáo viên tiếng Anh nhưng khung chương trình của nhà nước buộc phải có môn này. Thế là nhà trường nghĩ ra cách “thôi có gì ta dùng đấy”. Vậy là BGH quyết định điều giáo viên dạy giáo dục công dân đi đào tạo ngoại ngữ ngắn hạn rồi quay về giảng dạy, không có tiết ngoại ngữ thì lại quay lại dạy giáo dục công dân. Với cách đào tạo như vậy bạn sẽ hình dung được những thầy cô này sẽ dạy gì cho các em?” – vị giảng viên thẳng thắn bày tỏ.
Ngoài ra, theo giảng viên này điểm tiếng Anh thấp rơi chủ yếu vào học sinh nông thôn và miền núi, nơi mà một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Chưa kể, một nguyên nhân khác khiến điểm thi tiếng Anh thấp là do năm nay lần đầu tiên thay đổi hình thức thi, công tác thanh tra được làm chặt chẽ nên học sinh không có cơ hội chép bài.