Người phụ nữ 25 năm đón Tết ở nghĩa trang, xúc động thấy cảnh trước mộ phần
25 năm đón Tết trong nghĩa trang
Đã gần 12h trưa, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (60 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn xỏ đôi găng tay cao su, xách xô nước đầy ắp bọt xà phòng đến ngôi mộ ốp đá hoa cương màu đỏ thẫm. Bà chuẩn bị cọ rửa mộ phần này, sau khi đã dội rửa lần đầu bằng nước sạch.
Bà Phượng bắt đầu công việc chăm sóc mộ trong nghĩa trang lớn nhất TP.HCM cách đây hơn 25 năm. Ngày ấy, bà được giao chăm sóc, quán xuyến hơn 300 mộ phần.
Mỗi ngày, bà thức dậy từ sớm chuẩn bị cơm nước cho cậu con trai rồi vào nghĩa trang làm việc đến tối mịt. Công việc của bà dù không quá nặng nhọc nhưng luôn tay luôn chân.
Ngoài việc lau chùi, cọ rửa các mộ phần, bà Phượng còn tưới cây, chăm hoa cảnh ở 300 ngôi mộ mà mình quản lý, chăm sóc. Thậm chí, khi còn đủ sức, bà kiêm luôn việc trồng cây, hoa, đắp đất, tu bổ lại những ngôi mộ bong tróc, chưa được xây cất kiên cố.
Khi nghĩa trang có lệnh giải tỏa, đa số các mộ phần được người thân bốc cốt đem đi. Hiện, bà Phượng chỉ lau chùi, vệ sinh hơn 100 mộ phần. Công việc ít đi đồng nghĩa với việc lương tháng, thu nhập của bà cũng giảm xuống.
Tuy vậy, bà vẫn làm việc tận tâm như ngày trước. Mỗi ngày, bà đều xách nước, rửa từng ngôi mộ. Sau đó, bà cọ mộ phần bằng nước xà phòng. Cuối cùng, bà rửa lại thêm một lần nữa bằng nước sạch.
Bà Phượng chia sẻ: “Lúc đầu mới làm, tôi cũng có nhiều nỗi sợ, đặc biệt là khi cọ rửa những ngôi mộ bị khỏa lấp trong cỏ dại. Ngoài nỗi sợ tâm linh, tôi còn lo sợ dẫm, đạp trúng kim tiêm của người nghiện bỏ lại.
Nhưng dần dần, tôi cũng quen việc và biết cách tự bảo vệ mình. Từ đó, cứ cách 1 ngày, tôi lại tưới cây, hoa cảnh trong nghĩa trang một lần. Ngoài ra, tôi dành thời gian để lau chùi, quét dọn mộ”.
Làm việc có tâm, bà Phượng được con cháu của người đã khuất quý mến. Mỗi khi đến thăm viếng mộ, họ đều gửi thêm cho bà một số tiền nhỏ. Nhờ nguồn thu nhập ấy cùng đồng lương làm thuê của chồng, bà đủ trang trải cuộc sống, nuôi con.
Thế rồi chồng bà không may lâm bạo bệnh mất sớm. Một mình bà phải ghé vai đón nhận gánh nặng cơm áo gạo tiền, nuôi con ăn học. Không biết làm gì khác ngoài việc chăm sóc mộ phần, bà tiếp tục bám víu nghĩa trang. Dù bây giờ, lương tháng của bà đã giảm gần chạm đáy.
Trông chờ tiền lì xì
Bà tâm sự: “Mộ phần giảm đi nhiều nên lương tháng của tôi cũng giảm theo. Hiện, thu nhập của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Biết tôi khó khăn, chính quyền địa phương, người dân cũng giúp đỡ rất nhiều.
Chính quyền địa phương từ khu phố đến phường đều quan tâm, tặng quà, hỗ trợ thực phẩm vào những dịp lễ, Tết. Song, tôi cũng phải cố gắng làm để có tiền cho con đi học”.
Để mưu sinh, nuôi con ăn học, bà Phượng quanh năm tất tả trong nghĩa trang. Cũng như nhiều loại hình dịch vụ khác, thời điểm cuối năm, công việc của bà nhiều hơn.
Bắt đầu từ 25 Tết, bà cọ rửa, vệ sinh mộ phần cho người thuê mình đến tận mùng 1 Tết mới nghỉ. Do đó, suốt 25 năm qua, bà chưa một lần được đón Tết cùng gia đình tại nhà riêng.
Tuy vậy, bà không cảm thấy buồn. Bởi, đó là khoảng thời gian bà có thêm thu nhập để chăm lo cho con. Bà nói: “Tôi giờ đã lớn tuổi rồi nên làm việc cũng đau lưng, nhức mỏi lắm. Đặc biệt, dịp cuối năm, làm nhiều nên cơ thể tôi rã rời, đau nhức.
Tuy nhiên, tôi không dám nghỉ vì mấy ngày Tết, tôi có thêm thu nhập. Thông thường, vào ngày Tết, khi con cháu đến viếng mộ ông bà, cha mẹ, họ sẽ gửi cho tôi tiền lì xì. Số tiền ấy, tôi dành dụm để cho con đi học”.
Làm việc xuyên Tết ở nghĩa trang, bà Phượng có dịp chứng kiến những khoảnh khắc xúc động, đầy tình người. Bà nhớ lần chứng kiến cảnh con cháu của người đã khuất đến thắp nhang rồi ôm bia mộ mà khóc.
Hỏi ra bà mới biết, đó là năm đầu tiên gia đình này có đầy đủ thành viên khi đón Tết cổ truyền. Họ đến nghĩa trang, thắp hương cho bố mẹ và đã khóc khi tưởng nhớ những ngày còn được quây quần bên ông bà.
Cũng có lần, bà thấy người chồng đem hoa đến thăm cô vợ không may ra đi trước mình. Trước mộ phần, người đàn ông đọc bài thơ, hát đoạn nhạc mà trước đây có lẽ cả hai đã viết, hát tặng nhau…
Thông thường, trong những trường hợp như vậy, bà sẽ được nhận những lời cám ơn và một chút tiền từ người đến thăm mộ. Bởi họ nhận ra rằng, nhờ có bà, mộ phần người thân của mình luôn sạch sẽ, tươm tất suốt cả năm.
Những điều ấy giúp bà có thêm động lực để bám víu công việc ít người chọn lựa và không còn phù hợp với tuổi của mình. Bà nói: “Tôi biết mình không còn làm được bao lâu nữa vì già rồi, cơ thể đâu có chịu nổi.
Nhưng tôi sẽ cố làm để có tiền nuôi con thêm một thời gian nữa. Cháu học lớp 10 rồi. Ít nhất, tôi sẽ cố lo cho đến khi nó học hết 12, có thể tự chăm sóc, lo cho bản thân mình”.