Người đái tháo đường cấm kỵ những điều này
Người đái tháo đường không được bỏ bữa, đặc biệt là bỏ bữa sáng càng nguy hiểm vì dễ gây hạ đường máu. Trong khi đây là lúc cơ thể cần nhiều glucose và năng lượng nhất.
Bàn chân bị loét do biến chứng của đái tháo đường (Ảnh minh hoạ) |
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại bệnh tật tại Việt Nam, sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Số liệu thống kê từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cho thấy, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) mắc mới, và cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do ĐTĐ. IDF chỉ ra, bệnh ĐTĐ hiện nay có thể coi là một loại bệnh dịch toàn cầu với 415 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường, chiếm (8,8% dân số thế giới).
Tại Việt Nam, số liệu từ Hội Nội tiết và ĐTĐ (VADE) cho biết, hiện có tới 3,53 triệu người đang “chung sống” với căn bệnh ĐTĐ, và mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan. Dự báo, số người bắc bệnh có thể tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.
Với những số liệu nói trên, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân ĐTĐ cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, cả nước mới chỉ có 29% người bệnh bị ĐTĐ được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, theo điều tra dịch tễ năm 2014, có gần 2/3 số bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam được phát hiện bệnh tình cờ.
Đây là căn bệnh mãn tính đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Theo TS. BS Nguyễn Quang Bảy việc điều trị bệnh đái tháo đường dựa trên 3 trụ cột: chế độ ăn, tập luyện thể lực và dùng thuốc.
“Bên cạnh mục tiêu kiểm soát tốt đường máu thì người bệnh đái tháo đường phải chú ý giữ gìn sức khỏe để có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Vì vậy nên tập thể dục thể thao và kiểm soát chế độ ăn phù hợp, không nên quá khắt khe để tránh nguy cơ bị mệt mỏi, dễ bị hạ đường máu”, TS. BS Nguyễn Quang Bảy nói.
Tình trạng hạ đường máu là tình trạng nồng độ đường glucose trong máu hạ quá thấp, xuống dưới 3,9 mmol/L nó khiến cơ thể bị thiếu năng lượng và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là não, hệ thần kinh và hệ tim mạch.
“Ở giai đoạn sớm, hạ đường máu nhẹ sẽ gây ra các triệu chứng như đói, run chân tay, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực. Nếu không được phát hiện và điều trị, đường máu hạ thấp hơn sẽ gây ra các dấu hiệu thần kinh do não thiếu glucose như đau đầu, hoa mắt, lơ mơ, một số trường hợp nặng có thể bị hôn mê và co giật”, TS. BS Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, nhiều người bị đái tháo đường do béo phì thường bỏ bữa, hạn chế ăn thậm chí nhịn ăn sáng. Ông Nguyễn Văn Hinh (Ba Đình, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Tình cờ sau một lần đi xét nghiệm máu, lượng đường của ông vượt ngưỡng, các bác sĩ chưa chỉ định ông điều trị uống thuốc ngay mà hướng dẫn ông điều chỉnh sinh hoạt, sau 3 tháng kiểm tra lại.
Từ đó, ông tuyệt đối không ăn đồ ngọt, giảm hẳn đạm, thậm chí cơm tẻ cũng không ăn thay vào đó ông chỉ ăn miến, đậu phụ, lạc.
Thậm chí, bữa sáng ông cũng bữa ăn bữa không. Cách đây một tuần ông phải nhập viện vì bị hạ đường huyết, người vã mồ hôi, xỉu đi sau một đêm dài bụng rỗng. Sáng ông cũng không ăn nên đến 9h sáng thì ông gục ngay bên bàn làm việc.
TS. BS Nguyễn Quang Bảy, nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ là phải duy trì các bữa ăn đầy đủ, đều đặn hàng ngày.
“Người bệnh tuyệt đối không được bỏ bữa vì bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu. Bỏ bữa ăn sáng càng nguy hiểm vì dễ gây hạ đường máu ban ngày hơn do buổi sáng là thời điểm chúng ta làm việc và gắng sức nhiều, cần nhiều glucose và năng lượng nhất”, TS. BS Nguyễn Quang Bảy nói.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để kiểm soát đường máu ổn định, ít giao động, người đái tháo đường cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ, duy trì chế độ ăn và tập luyện đều đặn giữa các ngày, khi tập thể dục thì phải ăn thêm bữa phụ, đo đường máu thường xuyên để biết đường máu của mình đang ở mức nào, cũng như để đánh giá xem chế độ ăn, tập luyện ảnh hưởng thế nào đến đường máu.
Ngoài ra, người đái tháo đường cũng cần tránh các stress, thức quá khuya hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá…
N. Huyền