Ngư dân thay đổi nhận thức về cách khai thác hải sản
Sau quá trình tuyên truyền sâu rộng và quyết liệt, đến nay ngư dân Hà Tĩnh đã chuyển từ tập tục đánh bắt thủy sản truyền thống sang khai thác theo quy định của pháp luật. Có 90% tàu thuyền hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, 100% có giấy phép khai thác thủy sản. Tất cả đều nghiêm túc trong việc ghi chép nhật ký khai thác và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Kiểm tra lại máy móc, ngư cụ và các nhu yếu phẩm cho chuyến ra biển tại cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà), ông Trần Trọng Phước, số tàu HT90087 cho biết, trước đây hầu như ngư dân không ai có khái niệm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu, nhưng đến nay những tàu có chiều dài trên 15m muốn ra khơi đánh bắt hải sản phải có thiết bị giám sát hành trình nên các chủ tàu đều chấp hành đúng quy định.
“Việc lắp thiết bị giám sát hành trình không những để cơ quan chức năng giám sát hành trình khai thác của ngư dân, phát tín hiệu cảnh báo cho ngư dân biết khi khai thác sang vùng nước bạn, mà còn giúp các tàu cá thông báo khi có sự cố tai nạn trên biển”, ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước, trước khi thuyền rời cảng được lực lượng Biên phòng ở các đồn kiểm tra rất kỹ, ngăn chặn các phương tiện đánh bắt hủy diệt như mìn, điện... và thiết bị giám sát hành trình đảm bảo hoạt động thì tàu cá mới được xuất cảng.
Ông Phước chia sẻ thêm: "Từ khi được cơ quan chức năng tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU tại cảng cá, ngư dân như chúng tôi đã thay đổi thói quen khai thác truyền thống như trước đây. Lắp thiết bị giám sát tàu cá, cam kết không vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, mỗi chuyến khai thác bắt buộc phải ghi nhật ký khai thác với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm khai thác và sản lượng cụ thể theo từng chủng loài".
Ông Trần Quốc Dũng (trú ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chủ tàu HT 90091, có chiều dài trên 28m chia sẻ, trước đây ngư dân thường nghĩ đơn giản đã là trên biển ở đâu có nhiều cá thì cứ đánh bắt nên thường sang khai thác ở ngư trường nước bạn. Nay mỗi chuyến ra khơi, thiết bị giám sát hành trình phải bật 24/24h, ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác đánh bắt nên ai cũng tuân thủ theo đúng quy định.
“Chỉ cần chủ tàu ghi sai nhật ký khai thác ở trên biển thì khi vào bờ các nhà chức trách không cho cập cảng để xuất hàng. Ngoài ra, tàu cá nào cố ý ngắt thiết bị giám sát hành trình khi đang đánh bắt hải sản trên biển cũng bị phạt rất nặng, chưa kể nếu khai thác ở vùng biển nước ngoài bị họ phát hiện thì sẽ bị bắt giữ, bị tịch thu tài sản, ai cũng ý thức không khai thác hải sản trái phép”, ông Dũng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trước đây nghề cá ở Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt truyền thống, ý thức của một số bộ phận ngư dân chưa cao, vẫn có hiện tượng dùng mìn, điện và tàu giã cào để đánh bắt thủy sản. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã tuyên truyền sâu rộng và xử phạt rất mạnh tay nên giảm mạnh việc đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
“Các lực lượng chức năng đã thực sự vào cuộc nghiêm minh trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp như quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá trên biển và tại các cảng cá, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị khai thác thủy sản bền vững. Từ đó, hầu hết ngư dân ở Hà Tĩnh đã có trách nhiệm với nghề cá là đánh bắt hợp pháp, khai báo và đúng quy định”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tông Thắng cũng nhận định, một trong những yếu tố quyết định tới việc Ủy ban châu Âu (EC) gỡ "thẻ vàng" IUU chính là ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi khai thác trên biển và không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các yếu tố này ngư dân Hà Tĩnh đang chấp hành tốt.
Trần Hoàn