Nghệ An: Tăng cường đầu tư công nghệ trong khai thác hải sản
Lực lượng Bộ đôi biên phòng ở huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, tuyên truyền việc lắp các thiết bị máy móc cho bà con ngư dân. |
Ứng dụng công nghệ trong khai thác hải sản
Xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) hiện có 160 phương tiện tàu thuyền, trong đó hơn 70% tàu thuyền có công suất đạt 90CV trở lên. Những năm gần đây, bà con ngư dân đã mạnh dạn đóng tàu to, máy lớn, trang bị máy móc và thiết bị hiện đại hơn như máy dò ngang, ra đa, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, tời kéo lưới… nên hiệu quả khai thác tăng lên gấp 3 – 4 lần trước.
Đặc biệt, từ năm 2010, bà con ngư dân Quỳnh Long đã chuyển đổi từ nghề chụp 2 sào, 4 sào sang nghề vây rút chì nên hiệu quả càng tăng lên. Mỗi chuyến biển tàu vây Quỳnh Long đi từ 5 – 7 ngày đã thu được hàng chục tấn cá có giá trị kinh tế cao như cá hố, mực, cá bạc má… Nhiều tàu ra khơi, gặp đàn cá thì chỉ 2 – 3 ngày đã về bờ, đảm bảo hải sản tươi sống.
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng (trú ở xã Quỳnh Long) chia sẻ: “Sau khi lắp đặt máy dò ngang đi được vài chuyến biển thì thấy nó hỗ trợ đánh bắt hiệu quả hơn so với những máy thông thường, giúp ích rất nhiều cho bà con ngư dân chúng tôi.”
Bên cạnh tàu to, máy lớn, thiết bị hiện đại, việc bảo quản cá cũng đã được bà con ứng dụng công nghệ cấp đông bằng hầm bảo quản lạnh sử dụng vật liệu PU nên tỷ lệ cá đạt chất lượng cao trên 90% và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có 1.168 tàu tham gia khai thác hải sản, tổng công suất hơn 336.000CV. Hầu hết các tàu, thuyền được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật để phục vụ liên lạc, xác định vị trí, khối lượng đàn cá, bảo quản sản phẩm như ra đa, định vị vệ tinh, thiết bị liên lạc ICOM, máy dò cá...
Việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến trong khai thác hải sản là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị khai thác, hạn chế rủi ro trên biển, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nghề thủy sản trong thời gian tới.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, trang bị các máy móc hiện đại trong đánh bắt hải sản, mang lại năng suất cao cho bà con ngư dân. |
Tăng cường lắp thiết bị giám sát hành trình
Theo quy định đến ngày 1/7/2019, tất cả các phương tiện tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và phải mở máy 24/24 giờ khi khai thác hải sản ở các vùng biển.
Nhằm phát triển nghề khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, huyện Quỳnh Lưu đã tích cực đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định của Luật thủy sản năm 2017.
Hiện nay, địa phương này hiện có 175 tàu có chiều dài từ 24m trở lên trên tổng số 1.036 phương tiện tàu thuyền tham gia khai thác hải sản. Trong đó, nhiều nhất là xã Quỳnh Nghĩa 74 tàu, Tiến Thủy 72 tàu, Quỳnh Long 19 tàu, Sơn Hải 7 tàu…; đến thời điểm hiện tại đã có hơn 80 phương tiện đã đăng ký lắp đặt máy giám sát hành trình.
Theo lộ trình, đến hết năm 2020, 429 tàu cá có chiều dài từ 15 – 24m trên địa bàn cũng phải lắp thiết bị theo dõi này. Trường hợp chủ tàu không chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và không tuân thủ việc mở máy 24/24 giờ khi khai thác hải sản trên các vùng biển sẽ bị áp dụng hình thức không cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho đến khi chấp hành xong việc lắp đặt thiết bị.
Đến nay, hầu hết ngư dân của huyện Quỳnh Lưu đều đã nắm rõ mục đích cũng như quy định của luật; tuy nhiên, do giá thành của máy giám sát hành trình khá cao nên nhiều tàu cá vẫn còn chần chừ, tìm chọn nhà cung cấp có giá thành phù hợp.
Trước vấn đề này, ngư dân Vũ Xuân Tương (trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) phân vân: “Lắp đặt máy giám sát hành trình để theo dõi tàu thuyền đánh bắt ở các vùng biển của Việt Nam mình có vi phạm hay không. Nhưng số tiền lắp đặt trong một cái máy cũng hơi cao”.
Ông Nguyễn Văn Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “Ủy ban xã đã ký cam kết được 76 phương tiện. Lắp đặt được 10 phương tiện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, phối hợp với Đồn biên phòng Quỳnh Thuận, chi cục khai thác có phương án để các chủ phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”.
Theo quy định của luật thủy sản 2017 và theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU), các phương tiện đánh bắt xa bờ không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ không được ra khơi đánh bắt và mức xử lý có thể lên tới 300 triệu đồng/phương tiện.
Do vậy, huyện Quỳnh Lưu quyết tâm cao sẽ thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhằm kiểm soát tàu thuyền ra khơi, góp phần phát triển nghề khai thác hải sản bền vững.