Ngành hàng không Đông Nam Á tăng trưởng vọt nhờ tầng lớp trung lưu
Ngàng công nghiệp vận tải hàng không khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng thêm 10%/năm.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA), ngành vận tải hàng không Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Philippines đang ở thời kỳ tăng trưởng hai con số.
Ngàng công nghiệp hàng không Đông Nam Á tăng trưởng vọt nhờ sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và chi phí đi lại ngày càng phù hợp với túi tiền khách hàng. |
Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp hàng không chịu tác động lớn từ sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á cùng những nỗ lực tự do hóa các luật lệ hàng không của chính phủ các nước trong khu vực.
Theo ASEAN Post, tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và được xem là nòng cốt của sự tăng trưởng kinh tế. Bởi theo dự đoán, tính trên quy mô dân số, tầng lớp trung lưu Đông Nam Á sẽ tăng từ 29% trong năm 2010 lên thành 65% vào năm 2030.
Ngoài ra, những nỗ lực liên chính phủ trong khối các nước thành viên ASEAN nhằm tự do hóa những quy định hàng không cũng đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này.
Cụ thể, Hiệp ước Bầu trời mở ASEAN giúp xóa dần dần những rào cản liên quan tới sức chở và sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Từ đó, các hãng hàng không sẽ cùng hoạt động trong khu vực và hưởng lợi từ sự tăng trưởng của ngành vận tải hàng không trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, khách hàng còn có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các hãng hàng không thông qua giá cả cạnh tranh. Đây cũng sẽ phương án giúp giảm áp lực cho phí hàng không và mở ra thêm nhiều điểm đến cho khách hàng lựa chọn. Việc xây dựng các mạng lưới hàng không dày đặc cũng là tin vui cho các khách hàng để có thể tận hưởng những chuyến bay thoải mái hơn với nhiều điểm đến mới lạ.
Tiềm năng ngành hàng không
Đối với các quốc gia nằm trong khu vực tăng trưởng và phát triển, ngành công nghiệp hàng không lớn mạnh cũng là điều tất yếu. Theo xu hướng, giao thông hàng không được kỳ vọng sẽ trở thành hình thức giao thông đứng hàng thứ ba ở ASEAN vào năm 2036.
Ngoài ra, các tuyến đường bay ASEAN – Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ giao thông này, do nhu cầu đi lại của du khách Trung Quốc là rất lớn.
Bên cạnh đó, ngay cả các thị trường trong khối ASEAN cũng có vô vàn cơ hội để tăng trưởng thông qua loại hình du lịch tín ngưỡng. Điển hình, Indonesia hưởng lợi lớn từ ngành hàng không trong nước trong giai đoạn các kỳ nghỉ lễ như lễ hội Eid Mubarak. Trong dịp lễ Eid Mubarak vào năm 2016, khoảng 4,6 triệu người Indonesia đã trở về nhà. Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng máy bay để di chuyển cũng tăng nhanh chóng nhờ chi phí đi lại ngày càng vừa túi tiền của khách hàng.
Theo ông Bayu Sutanto, Chủ tịch Hiệp hội các hãng hàng không quốc gia Indonesia, mức dự đoán tăng trưởng của ngành công nghiệp hàng không là gấp 2,5 lần so với tăng trưởng kinh tế. Do đó, theo dự đoán, tính tới năm 2035, 310 triệu hành khách sử dụng máy bay để di chuyển sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD vào GDP của Indonesia.
Thái Lan cũng không nằm ngoài xu thế trên hành trình khôi phục nền kinh tế sau cuộc đảo chính năm 2014 vốn gây ảnh hưởng xấu tới nền công nghiệp hàng không và du lịch của xứ sở chùa Vàng.
Trong năm 2018, Thái Lan đã đón số lượng du khách quốc tế tới thăm đạt mức kỷ lục 38,2 triệu người. So với năm 2017, số du khách nước ngoài tới Thái Lan đã tăng 7,5% trong năm 2018.
Trong đó, du khách Trung Quốc chiếm chủ yếu lượng người nước ngoài tới Thái Lan vào năm 2018 với 10 triệu người.
Giới chuyên gia nhận định, chính mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 đã khiến số lượng du khách Trung Quốc đổ xô tới Thái Lan tăng vọt.
Không nằm ngoài xu thế, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng đang có kế hoạch mở rộng san bay và đường băng để đáp ứng nhu cầu tăng chuyến, đón thêm nhiều du khách.