Ngành dệt may Việt xuất khẩu phục hồi ngoạn mục
Năm 2021, ước tính giá trị xuất khẩu của ngành dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có báo cáo sơ lược về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành trong năm 2021 với mức tăng trưởng khả quan.
Theo đó, năm 2021, ước tính giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Trong đó, riêng xuất khẩu các mặt hàng may mặc dự kiến đạt 28,9 tỷ USD, tăng khoảng 4,5% so với năm 2020; xuất xơ sợi sang Trung Quốc dự kiến đạt 5,5 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2020 và tăng 32% so với năm 2019.
Trước đó, trong quý 3, giai đoạn cao điểm của dịch bệnh và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hàng loạt doanh nghiệp ngành dệt may vẫn tăng trưởng tốt.
Hai năm qua, ngành dệt may chịu nhiều khó khăn, thách thức. Khi dịch bệnh xuất hiện hồi đầu năm 2020, giãn cách xã hội đã khiến một ngành phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đầu vào như dệt may bị đứt gãy chuỗi cung ứng do không có nguồn nguyên liệu. Đến khi sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi thì dịch hoành hành tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, EU khiến số lượng đơn hàng giảm sút. Tiếp đó, khi Mỹ và EU phục hồi, có nhu cầu cao về dệt may thì một lần nữa, dịch bệnh lại bùng phát ở Việt Nam gây nên khủng hoảng thiếu nhân lực.
Chuẩn bị cho năm 2022, VITAS xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý 1/2022.
Kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm 2022 và kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022.
Hiền Anh
Dệt may cán đích cuối năm, thưởng Tết ra sao?
Nhờ giải pháp “sống chúng với dịch”, ngành dệt may có thể đạt kế hoạch năm, đảm bảo thu nhập, thưởng Tết cho lao động...