Ngân hàng đón xu hướng thanh toán không tiền mặt
Theo Thống kê của Vụ Thanh toán-Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2022, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), nhất là các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại.
Các chỉ số TTKDTM tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động đã đạt được những kết quả ấn tượng, thu hút số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn cũng như số lượng và giá trị giao dịch tăng cao. Trong 11 tháng đầu năm 2022 so với 11 tháng đầu năm 2021, giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc thường trực phụ trách khu vực phía Nam, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân (VPBank) cho hay, ứng dụng ngân hàng số VPBank NEO là 1 Super App (siêu ứng dụng) của VPBank đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, từ gửi tiền, thanh toán, mở thẻ tín dụng và vay 100% số hoá. Super App cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên điện thoại thông minh qua công nghệ định danh eKYC đã ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký sử dụng app tính tới cuối quý III vừa qua tăng 67% so với cùng kỳ, đưa tổng số khách hàng đăng ký sử dụng app lên 4,4 triệu khách hàng.
Cũng theo ông Khương, số lượng giao dịch qua VPBank NEO năm 2022 tăng mạnh. Cùng với đó, tỉ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên nền tảng số này đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng số Cake by VPBank – dịch vụ ngân hàng được "đo ni, đóng giày" cho nhóm khách hàng trẻ, chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, đã có được hơn 2,7 triệu khách hàng tham gia, góp phần định hình xu hướng TTKDTM của giới trẻ tại Việt Nam. Các kết quả khả quan nói trên chính là trái ngọt từ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ của VPBank từ trước đại dịch và COVID-19 là chất xúc tác giúp đẩy nhanh hơn quá trình này.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ: Sacombank nhận diện và đón đầu xu hướng này từ rất sớm và đã đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp (DN). Đơn cử có thể kể đến công nghệ xác thực trực tuyến (eKYC), mở tài khoản, mở thẻ phi vật lý 100% online chỉ trong một vài thao tác, công nghệ thanh toán chạm bằng điện thoại,… hay công nghệ Tap to phone – công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động.

Cũng là hướng tiếp cận mới, ông Đinh Văn Chiến – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của Tiên Phong Bank (TPBank) cho biết, TPBank chọn cách cho ra mắt bộ sưu tập 5 tính năng cá nhân hóa bao gồm: Thanh toán bằng khuôn mặt (Facepay), chuyển tiền dễ dàng như chat (Chatpay), thanh toán bằng giọng nói (Voicepay), tài khoản sử dụng Nickname, giao diện widgets tùy biến theo sở thích (MeZone)… trên app của TPBank. Ngoài ra, TPBank áp dụng các công nghệ hỗ trợ cho người dùng như: Ứng dụng thành công Trợ lý ảo T’Aio (chatbot) với trí thông minh nhân tạo AI và công nghệ máy học Machine Learning, trợ lý ảo Chatbot ở trên các kênh giao tiếp số đã hỗ trợ giải đáp tới 80% yêu cầu của khách hàng với cơ chế thường trực 24/7 và phản hồi ngay lập tức...
Phát triển chậm hơn đô thị, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa lại có nhiều dư địa phát triển, khi hơn 90% giao dịch tại đây vẫn là giao dịch tiền mặt và người dân không có ATM để rút tiền khi cần, không có máy chấp nhận thẻ để giao dịch. Không nhiều ngân hàng mạnh tay đầu tư cho hạ tầng chấp nhận thẻ, vì chi phí cao, lợi nhuận biên lại thấp. Hiện dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu dân, nhưng tỷ lệ máy POS, mPOS chỉ có hơn 400.000 máy. Tuy nhiên, khu vực này chắc chắn sẽ được các ngân hàng “để mắt” trong thời gian tới.
Nam Phương