Không thể can thiệp xin tha vi phạm nồng độ cồn, 'thổi dính là sạch ví'
Kiên trì thay đổi nhận thức người tham gia giao thông
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc lập chốt kiểm tra nồng độ cồn đã có tác dụng lan tỏa rất tích cực trên toàn quốc.
Vào dịp lễ tết, vấn nạn uống rượu bia lái xe khá phổ biến. Khi các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT tổ chức kiểm tra, kiểm soát xuyên suốt trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, số lượng người vi phạm bị phát hiện cũng tăng cao. Số lượng hành vi tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng giảm rất nhiều.
Việc này cho thấy đây là giải pháp rất đúng đắn. Nhiều người sau khi thấy lực lượng chức năng xử lý nghiêm đã thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi: Không lái xe khi sử dụng rượu bia.
“Nếu các địa phương duy trì kiểm tra thường xuyên, liên tục, ngẫu nhiên kể cả thời điểm bình thường trong năm và các năm sau, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng thành công văn hóa giao thông đã điều khiển phương tiện thì trong máu không có nồng độ cồn.
Người tham gia giao thông sẽ dần thay đổi về nhận thức, thay đổi hành vi để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, mang tính bền vững.
Trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đều mất vài thập niên để xử lý hành vi uống rượu bia vẫn lái xe. Bởi vậy đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải kiên trì”, ông Minh nói.
Nói như vậy không có nghĩa chỉ có cơ quan chức năng có trách nhiệm mà một bộ phận người dân cũng cần thay đổi nhận thức và hành vi của mình. Khi người trưởng thành nêu gương chấp hành nghiêm quy định không sử dụng rượu bia khi lái xe sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ, giao thông trên đường sẽ an toàn hơn.
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Bộ đã nhận thấy vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông.
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay Bộ đã chỉ đạo Cục CSGT mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt là từ tháng 6/2022 và cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng CSGT ở tất cả các địa phương trên cả nước đều tăng cường xử lý nồng độ cồn và làm xuyên Tết.
Theo ông Nhật, việc xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã có tác động rất tích cực đến việc giảm tai nạn giao thông. Do vậy, năm 2023, việc này vẫn là một vấn đề trọng tâm được tiếp tục thực hiện để kéo giảm tai nạn giao thông.
“Mục tiêu của việc xử phạt nhằm răn đe, nâng cao ý thức chấp hành giao thông, làm thay đổi thói quen của người tham gia giao thông: Đã sử dụng rượu bia thì không được điều khiển phương tiện”, ông Nhật nói thêm.
Không thể can thiệp để bỏ qua vi phạm
Đại diện Cục CSGT cho rằng, dù mức xử phạt trong Nghị định 100 khá cao nhưng thói quen của một bộ phận người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vẫn chưa thay đổi. Nhiều người sau khi uống rượu bia vẫn cố tình lái xe, thậm chí có những người ngồi sau thản nhiên như một thói quen.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, lực lượng công an tham mưu và các tỉnh thành đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Trong đó tập trung vào việc cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu, đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện; không can thiệp xin bỏ qua vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn.
Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, từ các cơ quan trung ương như Bộ Công an, các bộ ngành cho tới địa phương, lãnh đạo đứng đầu đều ban hành kế hoạch, nghiêm cấm sự can thiệp trong xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Khi không can thiệp được thì ý thức của người tham gia giao thông sẽ phải thay đổi, chấp hành nghiêm.
Cao điểm Tết vừa qua (từ 20/1 đến 26/1), lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, so với cùng thời gian Tết năm trước, xử phạt tăng 6.620 trường hợp. Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Hải Phòng 616 trường hợp, Hà Nội 558 trường hợp, TP.HCM 483 trường hợp, Quảng Nam 480 trường hợp, Thái Nguyên 460 trường hợp, Nam Định 244 trường hợp.
Vũ Điệp