Nếu biết khai thác hợp lý thì mạng xã hội mang lại hiệu quả lớn
Tại phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV vào chiều 28/10, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cách mạng công nghệ 4.0, ngày nay mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ.
Tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, dùng để kết nối với gia đình, bạn bè, người thân trên mọi miền Tổ quốc và là nguồn tìm kiếm thông tin hiệu quả cho người sử dụng… là những yếu tố khiến mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế trong đời sống của người dân.
Đại biểu Ngọc Linh nhấn mạnh, nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì mạng xã hội mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho con người nói chung và cho giới trẻ nói riêng. Ở chiều ngược lại, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, vì lượng thông tin nhiều nhưng đan xen giữa thông tin tốt với thông tin xấu, khó kiểm chứng.
“Điều quan tâm, lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội lại chứa nội dung xấu độc, có những thông tin dụ dỗ, lôi kéo mang tính chất kích động, bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc... hay các phim ảnh kích động, đồi trụy lại lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội, điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia mạng xã hội, nhất là ảnh hưởng đến tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay”, Đại biểu Ngọc Linh lo ngại.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay có tình trạng vi phạm hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Dẫn chứng điều này, bà Ngọc Linh đưa ra ví dụ về tài khoản Facebook Nguyễn Phương Hằng ở Thành phố Hồ Chí Minh hay tài khoản Facebook của Đặng Như Quỳnh ở Thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm, thậm chí có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội dẫn đến hẹn nhau giải quyết ngoài đời thực. Đơn cử như vụ việc xảy ra của nhóm thanh niên tại một địa phương vào tháng 3 vừa qua đã làm một người tử vong, một người bị thương và nhiều người vướng vòng lao lý. “Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp thương tâm, đau lòng khác”, đại biểu Ngọc Linh cho hay.
Để ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội ảnh hưởng đến đời sống, tư tưởng của người dân đặc biệt là giới trẻ, PGS. TS Nguyễn Văn Dững, nguyên trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, để thông tin tích cực chiếm lĩnh mạng xã hội thì bản thân mỗi cá nhân, đặc biệt đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo phải là những người lính “tiên phong” bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, báo chí chính thống cũng cần đưa thông tin sớm hơn, cập nhật hơn… nhất là những vụ việc nóng được dư luận quan tâm. Đấu tranh chống lại những tin xấu, tin độc hại, tin tiêu cực trên mạng xã hội có nhiều cách, nhiều kênh và phải thực hiện thường xuyên liên tục.
Đối với người dân, đặc biệt giới trẻ các chuyên gia cũng cho rằng nên có những “bộ lọc” trước những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu khách quan, thậm chí sai sự thật ở trên mạng xã hội; Không chia sẻ những thông tin chưa xác thực, cũng không học theo những trào lưu, lối sống trái thuần phong, mỹ tục…
Tại mỗi gia đình, nhà trường cũng cần có thời gian để người lớn hướng dẫn giới trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, hướng giới trẻ tìm kiếm những thông tin bổ ích, an toàn ở những trang thông tin đã được cơ quan chức năng đánh giá, giám sát.
Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92%, thứ hai là Facebook, tỷ lệ sử dụng là 91,7%, kế tiếp là Zalo với 76,5%,... Một thống kê khác cũng chỉ ra, hiện nay trong hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội, trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi chiếm khoảng 71% và thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình là 5h/ngày. |
N. Huyền