Nền tảng Em Vui - không gian kỹ thuật số bảo vệ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số
91% trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số đang sử dụng Internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh nhưng chỉ 10% có hiểu biết về an toàn trực tuyến.
Chỉ 10% trẻ em thanh thiếu niên hiểu biết về an toàn trực tuyến
Đây là thông tin được TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án Em Vui cho biết tại Hội thảo Truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 5/5.
Một khảo sát đầu vào trước khi thực hiện dự án được thực hiện với 1.725 trẻ em dân tộc vào cuối năm 2020 tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm.
TS Khuất Thu Hồng |
Tuy nhiên, chỉ có 28% trẻ em được trang bị kiến thức về tảo hôn. Chỉ có 52% các em được khảo sát hiểu biết đúng về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới đồng thời các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng (để không bị “ế”) lớn hơn. Có 72% biết được ít nhất 2 hậu quả của việc tảo hôn, phổ biến nhất là ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, việc học hành và sức khỏe bản thân; 60% sẵn sàng phản đối hôn nhân ép buộc, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ em gái và trẻ em được đi học.
Đối với những kiến thức về phòng, chống mua bán người, chỉ có 3% trẻ em nhận diện được nguy cơ bị mua bán người, và chỉ 11% biết về các cách phòng tránh rủi ro, tỷ lệ này thấp nhất ở nhóm 10 tuổi (2%). Có 37% trẻ em biết ít nhất 2 số điện thoại trợ giúp là 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) và 113 (công an).
Đáng chú ý là có 91% trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số đang sử dụng Internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh và thường sử dụng từ 1-3 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 10% có hiểu biết về an toàn trực tuyến.
Trong đó Facebook và YouTube là 2 kênh được trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số dùng nhiều nhất với hoạt động chính là chat, lướt mạng và xem phim, video.
Có tới 42% trả lời đã từng hẹn gặp bạn quen trên mạng, trong đó 1/3 hẹn gặp mặt chỉ sau một lần nói chuyện.
TS Khuất Thu Hồng cho biết, mặc dù tỷ lệ trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số sử dụng Internet cao nhưng hiện nay chưa có chương trình tập huấn bài bản tại địa phương cho các em về an toàn khi sử dụng mạng Internet.
Từ những khảo sát trên, dự án với nền tảng Em vui đã ra đời nhằm cung cấp cho các em kho thông tin thân thiện cho các bạn thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ kiến thức liên quan đến sức khoẻ, giới tính, về vấn nạn tảo hôn, về nạn buôn bán người…
Vì niềm vui, sự an toàn và phát triển của trẻ em và thanh niên
Tại hội thảo, TS Khuất Thu Hồng, đã giới thiệu nền tảng Em Vui tới các cơ quan báo chí – truyền thông. Bà hy vọng thông qua Hội thảo này Dự án mong muốn được chung tay với các phóng viên và các cơ quan truyền thông tích cực lan tỏa những thông điệp mạnh mẽ đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ và toàn xã hội đẩy lùi nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Hoàng Hải Vương – Cán bộ quản trị và truyền thông dự án cho biết, nền tảng Em Vui là không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho thanh thiếu niên nam nữ dân tộc thiểu số kiến thức và kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người.
Em Vui được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy để thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ, lan tỏa kiến thức. Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định, quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan của Chính phủ.
Em Vui đã được thiết kế và hoàn thiện trên nền tảng website https://emvui.vn, ứng dụng điện thoại và 6 kênh mạng xã hội cùng tên là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter.
Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm, từ 2020 đến 2023.
Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ các em nam nữ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
Được biết đến ngày 5/4, sau 6 tháng nền tảng chính thức ra mắt (1/10/2021) đã có gần 25000 lượt truy cập với 8780 lượt tương tác trong mục Học vui; 8549 lượt tương tác trong mục Chơi vui; Đáng lưu ý có tới 8588 lượt tương tác với trên 1000 lượt tải về ở mục thư viện.
Theo đánh giá của bà Khuất Thu Hồng, nhìn vào những con số này cho thấy, nền tảng Em vui đã dần dần tiếp cận được nhiều hơn với các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Đây cũng là mục tiêu mà các đơn vị, tổ chức duy trì nền tảng hướng đến. Đó là vì niềm vui, sự an toàn và phát triển của trẻ em và thanh niên.
N. Huyền