Muốn ly dị để được dạy con theo cách của mình
Cứ nói đến chuyện dạy con, chị Nguyễn Thúy Hằng (phố Lương Định Của, Hà Nội) lại cảm thấy bất lực, ức chế với chồng. Vợ chồng với quan điểm dạy con trái chiều, định hướng khác nhau khiến việc dạy con của chị vô cùng khó khăn...
Thấy tiếng Anh của con gái lớp 7 ngày càng mai một, chị Hằng vô cùng tiếc nuối. Con gái chị từ bé đã thể hiện năng khiếu tiếng Anh khá tốt, bé rất tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Năm con học lớp 4, chị đã cho con tham gia câu lạc bộ hướng dẫn viên nhí ở Hồ Gươm. Con mạnh dạn, tự tin nói chuyện với khách ngoại quốc mà không có chút rào cản nào.
Thế nhưng, khi bắt đầu vào lớp 6, chồng chị Hằng bắt con gái nghỉ hết học thêm tiếng Anh. Anh cho rằng, các môn học khác của con như Toán, Lý, Văn rất kém, cần tập trung học những môn này. Quan điểm của anh là, nếu học các môn chính như Toán, Văn không tốt thì sau này không thi cử được gì. Với anh, việc học quan trọng là phục vụ cho thi cử.
Chị Hằng thừa biết cô con gái chỉ có khả năng tiếng Anh, còn các môn khác của con rất tệ. Kế hoạch của chị là dù có tập trung thời gian cho các môn học khác thì cố gắng lắm con cũng chỉ đạt mức trung bình. Với mức ấy, con cũng chẳng thể so được với các bạn khác, chẳng hy vọng gì trong việc thi cử. Quan điểm của chị là đầu tư cho con học để phục vụ công việc sau này. Có thể con không đỗ lớp 10 công lập thì con có thể học dân lập. Nhưng nếu tiếng Anh của con giỏi thì sẽ có rất nhiều công việc chào đón con dù có thể con không đỗ đại học.
Chị và chồng mỗi người một phách và chẳng ai nghe ai. Thế nhưng, khi chồng kiên quyết nhận "chịu trách nhiệm" về con thì chị đành xuống nước. Suốt cả tuần, chồng chị thuê gia sư về ốp con gái học các môn. Hôm nào đi học về, bố cũng hỏi điểm của con gái. Chỉ cần con điểm kém hoặc giáo viên mách con không làm đủ bài tập, bố mắng con gái xối xả. Cô con gái từ ngày được bố nhận "chịu trách nhiệm", lúc nào cũng mếu máo vì quá áp lực.
Không thể phủ nhận từ ngày bố ốp con gái học Toán, Lý... con chị có tiến bộ hơn. Con không ở top cuối như trước kia. Thế nhưng, chị Hằng vẫn không ưa quan điểm dạy con của chồng. Chị cảm thấy vô cùng tiếc nuối khi tiếng Anh của con ngày càng mai một. Với chị, dù đầu tư thế nào thì với khả năng của con, việc học cũng chỉ nhàng nhàng. Tiếng Anh lại không giỏi nữa, không biết sau này con gái sẽ "đi đâu về đâu". Chị cảm thấy lo lắng cho tương lai của con khi mọi thứ không có gì nổi bật, xuất sắc. Nhưng để mặc chồng "chịu trách nhiệm" về con, chị không muốn can thiệp thêm. Bởi chỉ cần có ý kiến, vợ chồng chị lại xảy ra... chiến tranh.
Chị Hằng rất biết việc vợ chồng không cùng quan điểm dạy con sẽ ảnh hưởng đến con rất nhiều. Chị cũng rất muốn cả hai người cùng dung hòa quan điểm dạy con để tìm ra phương pháp tốt nhất cho con. Thế nhưng, chồng chị khăng khăng cho rằng kế hoạch của mình là tốt nhất và luôn phủ nhận cách dạy con của vợ. Chồng chị có thiên hướng về điểm số, thành tích, bằng cấp nhưng trong mắt chị, những thứ đấy chỉ là "phù phiếm". Khả năng, thực lực, niềm đam mê mới hữu ích cho công việc sau này của con.
Thế nên, dù mặc kệ để chồng dạy con theo cách của anh ấy nhưng chị Hằng cảm thấy vô cùng ức chế. Không ít lần, chị nghĩ đến chuyện ly hôn chồng để được dạy con theo cách của mình.
Vấn đề ở đây là cả hai vợ chồng chị Hằng đã bỏ qua ý kiến của chính con gái mình. Họ chỉ quan tâm đến suy nghĩ, lựa chọn tương lai cho con của bản thân rồi phán xét người còn lại mà quên mất rằng nó có thể không phải là mong muốn, suy nghĩ, lựa chọn của con gái. Chắc chắn vợ chồng chị cần phải ngồi với con để cùng tìm ra cách tốt nhất cho con. Đến lúc đó, đứa trẻ cũng sẽ nỗ lực, quyết tâm học tập, vượt qua những điểm yếu của bản thân để vươn lên khẳng định mình.
Theo phunuvietnam.vn