Muôn kiểu "cười ra nước mắt" khi phụ huynh dạy kèm con lớp 1
Bà mẹ chia sẻ tình cảnh dạy kèm con lớp 1: con mỏi tay, tay ướt, cắt móng tay, uống nước, đi vệ sinh, đau lưng, tìm dép, gọt bút chì, tìm cục tẩy… và cả tối viết được đúng 2 dòng mà còn viết chữ C lộn ngược.
Trong khi Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định chương trình mới ở bộ SGK lớp 1 trong đó có môn Tiếng Việt không quá tải, quá nặng hay quá sức đối với học sinh mà là do các cô giáo chưa quen với phương pháp dạy mới thì nhiều phụ huynh vẫn cứ tiếp tục cho rằng sách quá nhanh so với nhận thức của trẻ.
Đến giờ, đã bước sang tuần học thứ 5, các bài tập đọc Tiếng Việt 1 càng trở nên phức tạp hơn. Chị Mai Nguyễn (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa ra bài tập đọc của con có chủ đề “Sẻ, Quạ” là ví dụ.
Theo đó, nội dung bài tập đọc như sau: Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca “ri…ri…”. Phía xa là nhà quạ. Quạ la “quà …quà…”. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: “Sẻ ca ri ri. Qụa la quà quà. Bé sợ gì!”.
Chị Mai Nguyễn chia sẻ "dù không muốn nói nữa nhưng thực sự ngán ngẩm khi dở sách học ôn bài cùng con mỗi tối".
“Quan trọng ban đầu là phải học được quy tắc ghép vần và học thuộc chữ. Khi có vốn rồi mới đọc được câu, đoạn văn và mới đọc hiểu, đây lại bắt đọc luôn, hiểu luôn. Vì thiếu vốn từ nên câu cú lủng củng, tối nghĩa thế thành ra làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Khổ nỗi là trẻ lại hay hỏi, ví dụ như bài tập đọc ở trên để chuẩn bị cho bài hôm sau, hai mẹ con đọc bài trước. Thằng bé ngay lập tức đánh vần xong liền hỏi mẹ “quà quà” là gì? Tôi cũng phải ngẩn người ra một lúc…”, chị Mai Nguyễn kể lại.
Bài tập đọc với câu từ trúc trắc. |
Chồng phó thác hoàn toàn việc kèm con cho vợ nên chị Mai Nguyễn đã dần quen "đánh vật" với còn trong những tuần qua. Con chị không đi học trước nên học chậm hơn các bạn, nhưng chị cũng không còn quá áp lực nữa.
“Con tiếp thu được đến đâu là do con. Tôi xác định nếu yếu quá thì đành đúp. Thế nên gia đình cũng bớt căng thẳng. Chứ đọc trên mạng hoặc chứng kiến bạn bè đồng cảnh, tôi thấy ái ngại vì con không tiếp thu kịp bài lại vừa chưa quen với nếp học của lớp 1”, chị Mai Nguyễn nói.
Một phụ huynh đã phải thốt lên trên mạng xã hội rằng “nhà đang mất đoàn kết gia đình trầm trọng ngay lúc này”.
“Tình cảm mẹ con sa sút đã đành. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng sứt mẻ tình thân. Lắm người can thiệp quá. Người thì bảo thôi không học được thì cho đi học nghề, người bảo làm nông, người bảo nhặt rác, bà ngoại thì bảo ra đi để bà kèm cho.
Còn nhân vật chính thì thút thít, lau nước mắt liên tục nhưng tuyệt nhiên là không viết đấy, mà viết thì không thích viết đúng đấy”, người mẹ trẻ này bất lực than.
Nhiều gia đình đảo lộn khi dạy kèm con vào lớp 1. |
Trong khi đó, một phụ huynh khác cũng stress khi có con học lớp 1. Vị này chia sẻ: “Đừng nhắc đến lớp 1 nữa. Mà cũng đừng nhắc đến bọn chúng trong giờ học nữa. Con tôi nó nhận xét tôi thế này “bình thường mẹ đáng yêu lắm mà sao lúc dạy con học lại nổi điên thế”".
Có mẹ còn cho biết đau đầu vì kèm con học: “Năm nay một bạn lớp 1. Sang năm 1 bạn nữa. Vừa rồi phải uống thuốc bổ thần kinh vì hét nhiều quá đau đầu. Đau quá giờ không hét được chuyển sang nghiến răng. Mỗi lần dạy học stress kinh khủng. Hôm nay là ngày thứ 2 không đánh và quát nữa rồi. Đang thử nghiệm 14 ngày không quát đánh. Nhưng có vẻ không ổn”.
Một người chứng kiến cảnh anh chị dâu dạy con lớp 1 học kể lại hài hước: “Chị dâu vừa dạy vừa mắng con. Anh họ đứng ngoài chống nạnh nói "úi giời mới có tý thế đã nhao cả lên". Chị dâu bảo: "Thế bố nó vào mà dạy". Ổng vừa vào chưa được 10 phút đã thấy om sòm trong phòng rồi”.
Không chỉ ức chế vì chương trình học nhanh, nhiều phụ huynh còn rơi vào cảnh căng thẳng khi con chưa quen với nền nếp, kỷ luật học tập. Một ông bố viết: “Con ngoan đến nỗi sổ liên lạc điện tử và Zalo trở thành nguyên nhân gây stress hàng ngày và hàng tuần. Các thầy cô giáo là siêu nhân”.
Mẹ của một học sinh lớp 1 cho biết: “Quyển vở cô vừa phát được 3 hôm nó xé còn 5 tờ đôi để gấp máy bay. Đi học một tháng đã mua tẩy cái thứ 5. Con có đam mê gọt bút chì vì thế lúc đi thì bút mới nguyên lúc về còn khoảng 4,5 cm. Lề vở vẽ xe tăng ở dưới, đạn 1 dãy ở trên. Ở lớp cô gọi đến tên đứng lên đọc bài vẫn không biết cứ ngơ ngơ như bò đội nón ấy”.
Ở lớp trẻ nghịch là thế, tối về ngồi vào bàn học thì đủ trò cười ra nước mắt. “Mỏi tay, tay ướt, cắt móng tay, uống nước, đi vệ sinh, đau lưng, tìm dép, xếp sách, ngứa ngáy, quát chó, lau bụi bàn, gọt bút chì, tìm cục tẩy... Và cái kết: Cả tối viết được đúng 2 dòng mà còn viết chữ C lộn ngược”, chị Phạm Huyền kể lại tình cảnh khi kèm con học mỗi tối.
N. Huyền