Một cơ hội quảng cáo đặc sắc trên biển Đà Nẵng đang bị bỏ phí?
Tổ hợp đồng hồ cỡ lớn đặt trên nóc công trình cao tầng sẽ thu hút chú ý của hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài nước đến với biển Đà Nẵng mỗi ngày. Đây là cơ hội quảng cáo rất giá trị nhưng đang bị bỏ phí?
Nhu cầu có thật, nhưng chưa tìm ra cách đáp ứng
Sáng 4/6, tại khu giữ xe bãi tắm số 1 biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng), một phụ nữ mặc áo dài cùng con gái mặc đồng phục học sinh vội vã lau tóc, chải đầu… sau khi tranh thủ dậy sớm tắm biển rồi mẹ đi làm, con đi học luôn. Chợt cô bé nhìn đồng hồ: “Mình lên sớm quá!”. Người mẹ xem giờ rồi cũng tiếc rẻ hẹn hôm sau “canh giờ” chuẩn hơn cho con để có thêm thời gian tắm biển.
Hai mẹ con tranh thủ đi tắm biển sáng sớm trước khi mẹ đi làm, con đi học nhưng vì không chủ động được thời gian nên lên bờ... sớm hơn mong muốn! |
Theo anh Lâm Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư và Kinh doanh IBSC (Đà Nẵng), đây là một trong rất nhiều trường hợp mà người dân, du khách bị động về thời gian khi đi tắm biển ở TP này. Bản thân anh ngày nào cũng tắm biển, thiếu một ngày là không chịu được, vậy mà vẫn cứ có tâm trạng không thật thoải mái vì không chủ động được về giờ giấc.
“Đi tắm biển mà cứ thấp thỏm sợ lên muộn sẽ trễ giờ đi làm, đi học, đi tham quan…, nhưng lên sớm quá thì lại tiếc không tận dụng được hết thời gian quý giá lẽ ra được ngâm mình trong “liều thuốc tiên” là nước biển cho giãn gân giãn cốt, tăng sức khỏe, giảm bệnh tật… Nguyên do là biển Đà Nẵng đang thiếu cái… đồng hồ công cộng!” – Anh Lâm Quang Bình nói.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho hay, để đáp ứng nhu cầu chủ động nắm bắt thời gian của khách tắm biển, đơn vị đã bố trí dọc tuyến biển từ bãi tắm Phạm Văn Đồng đến bãi tắm Sao Biển hệ thống loa phát thanh kết hợp báo giờ 15 phút, nửa tiếng, nhất là vào các giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối có khách tắm biển đông. Tuy nhiên hệ thống loa này đang phải bố trí người trực vận hành theo kiểu thủ công.
BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng từng dự định bố trí đồng hồ tại tháp bồn chứa nước ở khu vực bãi tắm số 1 nhưng chỗ này quá thấp và hiện đã bị cây cối che khuất |
Theo ông, thực tế phát loa trên bãi biển rộng lớn hiệu quả không cao, mở to quá gây khó chịu cho những khách tắm biển cần yên tĩnh, mở nhỏ thì coi như vô ích vì chẳng ai nghe. Hơn nữa, số ít khách tắm biển xa bờ nghe rõ tiếng loa báo giờ, trong khi phần lớn khách tắm ở gần bờ và vui chơi trên bờ lại không nghe được vì bị tiếng sóng biển vỗ bờ lấn át, nhất là khi có sóng lớn!
Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết, mới đây BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nhận được thư của công dân kiến nghị đặt chiếc đồng hồ lớn cho mọi người dân, du khách đến tắm biển dễ theo dõi, chủ động về thời gian. Vấn đề này trước đây BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng từng kiến nghị rồi, nhưng không có không gian để bố trí.
“Phải có không gian bố trí một tháp đồng hồ thì mới đáp ứng được. Rất nhiều bãi biển nổi tiếng trên thế giới cũng bố trí các tháp đồng hồ như vậy, không chỉ để theo dõi giờ giấc mà còn tạo điểm nhấn kiến trúc đặc biệt cả ban ngày lẫn ban đêm cho cả khu vực biển đó. Nhưng quy hoạch khu vực biển Đà Nẵng hiện nay thì… chật quá, có lẽ khó có chỗ cho một tháp đồng hồ ven biển như thế!” – Ông Nguyễn Đức Vũ tiếc rẻ.
Ông cho biết, ở khu vực bãi tắm số 1 biển Phạm Văn Đồng có một satado nước (tháp bồn chứa nước) mà BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng từng dự định gắn đồng hồ báo giờ cho người dân và du khách tắm biển, nhưng cái tháp này thấp quá và hiện đã bị hàng dừa che khuất.
Có được một tổ hợp đồng hồ trên các công trình cao tầng sẽ giúp người dân, du khách chủ động và thoải mái hơn khi đến với biển Đà Nẵng |
Không lẽ bó tay?
Chúng tôi nêu ý tưởng khuyến khích chủ đầu tư các dự án cao tầng ven biển Đà Nẵng đặt đồng hồ trên nóc công trình. Chẳng hạn có thể đề nghị đặt một tổ hợp đồng hồ 4 mặt cỡ lớn trên nóc của một trong các khối tháp cao nhất dọc tuyến biển Sơn Trà – Non Nước hiện nay, thuộc hai dự án Soleil và Times Square đang được xây dựng đối diện ngay Công viên Biển Đông.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, đây có lẽ là ý tưởng khả thi nhất, tuy nhiên vấn đề là làm sao để các chủ dự án chấp nhận đầu tư hạng mục “phát sinh” này. Bởi, lắp đặt một tổ hợp đồng hồ có tính biểu tượng cho biển Đà Nẵng thì không chỉ phải có thiết kế đặc sắc, đảm bảo an toàn khi gió bão mà còn phải lựa chọn vị trí thích hợp, đồng thời phải đầu tư thiết bị phù hợp, có độ bền, tuổi thọ cao, không dễ bị ăn mòn, oxy hóa...; tức là chịu đầu tư “phát sinh” khá tốn kém!
Chúng tôi đưa vấn đề tham khảo ông Trương Hào, nguyên Phó Giám đốc ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng mới nghỉ hưu. Ông xác nhận một tổ hợp đồng hồ cho người dân, du khách đến với biển Đà Nẵng là vấn đề cần thiết đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa được quan tâm. Ông cũng cho rằng, việc chọn đặt tổ hợp đồng hồ trên các công trình cao tầng đang xây dựng ở khu vực này là khả thi nhất.
và người dân không phải vội vã thế này! |
Tuy nhiên theo ông, không chỉ việc thiết kế, lắp đặt một tổ hợp đồng hồ đạt tầm biểu tượng cho biển Đà Nẵng đòi hỏi mức đầu tư không hề thấp mà việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành trong môi trường ven biển cũng phải tốn kém nhiều chi phí, nhân lực. Trong khi đó, ngân sách nhà nước rất khó “chia sẻ” với chủ đầu tư các dự án về những hạng mục như thế, dù rất cần thiết.
“Theo tôi, một tổ hợp đồng hồ cỡ lớn có thể xem được giờ giấc khi từ cầu Sông Hàn hướng ra biển; hay từ bán đảo Sơn Trà, khu vực Furama Resort nhìn về trung tâm là Công viên Biển Đông chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài nước đến với biển Đà Nẵng mỗi ngày.
Khi chiếu sáng ban đêm, đây sẽ còn là công trình kiến trúc - mỹ thuật đặc sắc tô điểm cho dự án cũng như cho biển Đà Nẵng. Vì thế, đây hoàn toàn là cơ hội quảng cáo rất giá trị mà chủ đầu tư dự án cao tầng ven biển Đà Nẵng có thể đưa ra mời gọi các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới tham gia!” – Ông Trương Đình Đức, CEO Công ty quảng cáo VietGroup (Đà Nẵng) hiến kế.
Rất tiếc là cơ hội quảng cáo này hiện chưa được tận dụng mà đang bị bỏ phí?
Hải Châu