Cần ngăn những livestream thiếu tính giáo dục để bảo vệ trẻ em
“Chào các bạn, mình phải đi ngủ đây để mai mình còn đi tù; Có phải vào tù cũng là do tôi quá tốt!”... là những lời chia sẻ tại các buổi livestream của Tina Dương (Ninh Thị Vân Anh), đối tượng vừa mới bị bắt do lừa đảo.
Trước đó, vào giữa tháng 9, dư luận dậy sóng trước lời tố cáo trên mạng xã hội của người phụ nữ tên N. L về thủ đoạn “thao túng" tâm lý của Tina Dương nhằm chiếm đoạt của gia đình cô 17 tỷ đồng. Vụ việc càng gây xôn xao hơn khi cơ quan chức năng liên tiếp nhận nhiều đơn tố cáo từ các nạn nhân của Tina Dương. Thế nhưng cô gái này vẫn ngang nhiên lên mạng xã hội livestream nói về những việc đã làm với thái độ tưng tửng, đổ lỗi thuộc về người khác chứ không phải do mình.
Ngay trước ngày bị bắt 2 hôm, Tina Dương mỗi tối vẫn lên mạng xã hội livestream. Đáng ngại, những buổi livestream của cô gái này thu hút rất đông người theo dõi, trong đó không ít người xa lạ bình luận đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ cô gái này. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại trước những ảnh hưởng tiêu cực, sự cổ xuý cho lối sống "phông bạt", coi thường pháp luật đối với giới trẻ.
Lùi về thời gian trước nữa, những cái tên có thể kể tới như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Quang Rambo, hay Khánh Sky... đã cùng nhau tạo nên một khái niệm mới đó là “giang hồ mạng” thông qua những buổi livestream và các hoạt động trên mạng xã hội.
Trước việc xuất hiện những livestream thiếu tính giáo dục của người có nhiều người theo dõi, người nổi tiếng trên mạng xã hội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, livestream có thể hiểu đơn giản là tính năng truyền tải video trực tiếp thông qua môi trường internet. Hình thức này mang đến nhiều tiện lợi, làm tăng khả năng kết nối, tương tác của nhiều người dùng với nhau. Mọi người có thể chia sẻ trực tiếp những hình ảnh và khoảnh khắc đời thường của mình bên người thân, bạn bè.
Với tính năng ưu việt của livestream, bản thân mỗi người dùng mạng xã hội hiện nay đều là chủ của một kênh truyền hình tự tạo mà không cần phải qua biên tập, chỉnh sửa. Thế nhưng, trên thực tế có hiện tượng lợi dụng ưu điểm nhanh, hấp dẫn, sinh động của chức năng này, một bộ phận giới trẻ đã biến livestream thành kênh thông tin riêng để tìm kiếm sự nổi tiếng chẳng giống ai, gây ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội, đặc biệt trẻ em.
“Trẻ em là lứa tuổi đang trong giai đoạn định hình nhân cách, cũng là lứa tuổi ưa tò mò, thích khám phá, đi kèm với đặc điểm tâm lý chung là thường quan tâm đến những thông tin trái chiều, độc lạ hơn so với những thông tin tích cực. Vì vậy những thông tin từ các buổi livestream từ những người nổi tiếng rất dễ thu hút trẻ lớn. Những ví dụ trước kia như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền hay nhiều trường hợp khác nữa cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực tác động đến các em như thế nào”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
Ông Sơn cho rằng, trong bối cảnh chúng ta mong muốn giáo dục đạo đức cho trẻ em có sự đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội thì việc những nội dung không phù hợp này tạo ra sự “lệch pha” trong giáo dục đạo đức ở các môi trường khác nhau, dẫn đến trẻ em mất định hướng giá trị sống, từ đó dẫn đến các khủng hoảng và rối loạn khác.
“Đó chính là lý do cả nhà trường và gia đình phải quan tâm hơn đến hoạt động giải trí, thư giãn của các em. Những giáo dục làm gương trong gia đình, tăng hoạt động trải nghiệm sống, tương tác trong gia đình chính là những cách giúp trẻ em có thêm sức đề kháng với thông tin độc hại trên môi trường mạn”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn vĩ mô, một số Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng hiện nay chúng ta đã có nhiều luật để xử lý vấn đề trên, trong đó có Luật An ninh mạng đã được thông qua. Trong luật đã quy định rất cụ thể, khi livestream trên mạng những hình ảnh vi phạm văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, những bí mật đời sống riêng tư, hình ảnh cá nhân,... thì có thể bị phạt hành chính từ 10 - 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, không chỉ phạt với người livestream mà còn có thể phạt đối với cả những người xem livestream khi có những bình luận thiếu văn hóa, đưa tin sai sự thật,... và những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng các nhà quản lý ứng dụng cần cải thiện hơn nữa dịch vụ, rà soát chặt chẽ việc livestream vào các mục địch xấu, gây hại cho người dùng.
N. Huyền