Mặt 'tan nát' vì lạm dụng bôi kem làm trắng sáng da, chữa mụn thần tốc
Các loại kem trộn này làm trắng sáng da “thần tốc” và giảm mụn trứng cá nhanh chóng khiến người dùng rất thích thú, tuy nhiên, nó gây ra hậu quả rất nặng nề.
Trị nám không đúng cách, sai một ly…đi 'cả mặt'
Đi chấm thuốc trị nám ở một cơ sở Spa, Nguyễn T.M.H (TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị bỏng ráp mặt, nhiều mụn nước chảy, sưng nề. Nhân viên Spa tiếp tục dùng cồn để tẩy rửa khiến vết thương nặng thêm.
Trường hợp của N.T.N, 20 tuổi, Hà Nội đang là sinh viên một trường đại học lớn, nhưng luôn tự ti vì khuôn mặt nhiều mụn. Trước đó cô đã sử dụng rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm trị mụn nhưng không hiệu quả.
Nghe trên mạng quảng cáo kem trộn trị mụn hiệu quả, N. quyết định mua một lọ kem về sử dụng. Sau khi bôi 1 tuần da đã đỡ hẳn mụn. Mụn cám trên trán cũng biến mất. N. thấy công dụng quá tuyệt vời nên kiên trì bôi. Truy nhiên, sau 6 tháng, mỗi lần dừng bôi kem N. thấy da lại nổi mụn nhiều hơn nên cô cứ bôi kem mãi. Đến khi lớp mụn sưng nề kèm theo mủ N. tìm tới bác sĩ khám. Bác sĩ cho biết N. bị tổn thương do lạm dụng kem trộn và có hiện tượng lệ thuộc vào corticoid.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm - Giảng viên bộ môn Da liễu ĐH Y Hà Nội - Bệnh viện Da liễu Trung ương, kem trộn vẫn đang được rất nhiều bạn trẻ tin tưởng và coi như thần dược.
BS Tâm cho biết trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều những trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid. Trong đó có những trường hợp sau khi bôi kem trộn có corticoid được một thời gian trên mặt xuất hiện lông dài và rậm, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da…
Nhiều người khi đến khám có mang theo sản phẩm là những hộp kem được quảng cáo có công dụng làm trắng da, chữa nám, trị mụn trứng cá... với thành phần trên nhãn là thảo dược. Tuy nhiên, các loại kem này đều được trộn corticoid và nó ảnh hưởng trực tiếp lên da. Hiệu quả nhanh chóng nhưng hậu quả lâu dài.
Hỏng da vì kem trộn |
Theo BS Tâm 'nghiện' kem trộn chứa corticoid khiến tình trạng da trở nên đỏ, sưng nề, xuất hiện mụn mủ… sau khi ngừng sử dụng thuốc (kem).
Thông thường dùng corticoid bôi liên tục trong 2-4 tháng có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc. Corticoid bôi càng nhiều thời gian để gây nghiện thuốc càng ngắn. Corticoid bôi có tác dụng co mạch do ức chế hoạt động của Nitric Oxide (NO), khi dừng thuốc thì NO giải phóng ồ ạt từ tế bào nội mô mạch máu làm giãn mạch mạnh gây đỏ da, phù nề. Corticoid bôi có tác dụng ức chế miễn dịch, khi dùng thuốc lâu sẽ làm phát triển vi khuẩn (chứa siêu kháng nguyên). Sau khi ngừng thuốc các siêu kháng nguyên này hoạt hóa phản ứng viêm của da gây sẩn mụn mủ.
Khi ngừng bôi kem trộn người dùng có thể gặp hội chứng “cơn nghiện corticoid'. Biểu hiện hay gặp nhất là nóng rát, châm chích, nặng hơn khi tiếp xúc với nhiệt và ánh sáng mặt trời. Thể sẩn mụn mủ hay nặng hơn khi tiết xúc với ánh sáng mặt trời, thể này ít cảm giác nóng rát và châm chích hơn.
Một số người vào viện trong tình trạng da đỏ, phù nề, sẩn, cục, ban đỏ, phù nề và thể sẩn mụn mủ.
Những người sử dụng kem trộn một thời gian như vậy, khi tới điều trị bác sĩ thường đưa vào quá trình “cai nghiện” corticoid. Bác sĩ Tâm cho biết tùy thuộc vào thời gian sử dụng thuốc và độ mạnh của corticoid bôi. Khi dùng 2-3 tháng cần khoảng 1 tháng cai. Với loại corticoid mạnh dùng nhiều hơn 12 tháng cần 12 tháng cai nghiện. Thông thường cần khoảng 1-6 tháng là cai nghiện thành công.
Sau khi điều trị xong, da trở lên nhạy cảm với mỹ phẩm, ánh sáng mặt trời hơn so với lúc đầu.
Khi điều trị, với thể sẩn mụn mủ, dùng nhóm cycline như doxycyclin, tetracycline. Với những trường hợp kèm theo trứng cá, da dầu có thể dùng isotretinoin liều thấp 10-20mg/ngày trong khoảng 3 tháng.
Thể ban đỏ sẩn phù, chườm lạnh 4 lần/ngày, mỗi lần 15-30 phút. Dùng dưỡng ẩm có tính chất dịu da, nên dùng các loại dưỡng ẩm theo cơ chế bít, phục hồi hàng rào bảo vệ. Có thể dùng các chất có tính chống viêm như kẽm oxyd. Nếu cơn nghiện quá mạnh có thể dùng corticoid đường toàn thân hoặc cyclosporin ngắn ngày.
Các phương pháp hỗ trợ khác, tránh nắng, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin, pregabalin, amitryptyline.
Khánh Chi
Làm hồng môi để đón Tết, nhiều chị em nhập viện
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Bích Diệp – Khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết năm nào vào dịp cuối năm số ca nhập viện vì biến chứng tiêm môi, xăm môi làm đẹp cũng gia tăng...