Lươn có phải là cá không?
Lươn (danh pháp hai phần: Monopterus albus) là một loài cá thuộc Họ Lươn (Synbranchidae). Chiều dài thân trung bình khoảng 25–40 cm, mặc dù có cá thể dài tới 1 m. Thân hình trụ, da trần không vảy, thiếu vây chẵn, vây lưng nối liền với vây đuôi, vây hậu môn. Các vây không có gai, mang thoái hóa thành một lỗ phía dưới đầu. Đuôi vót nhọn. Lưng màu nâu, bụng màu trắng hay nâu nhạt. Miệng lớn, có thể kéo dài ra được, cả hai hàm đều có các răng nhỏ để ăn cá, giun, giáp xác cùng các động vật thủy sinh nhỏ khác vào ban đêm. Hai mắt rất nhỏ.
Giống như các loài khác trong bộ Lươn, chúng hô hấp nhờ các màng của khoang bụng và ruột, không có bong bóng.
Đa số bên trong cơ thể loài cá nếu không phải là có buồng trứng thì cũng có tinh hoàn, giống đực và giống cái từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi đều không thể thay đổi. Nhưng lươn thì khác, khi lươn vừa sinh ra, bên trong tất cả các cá thể đều là buồng trứng, cũng có nghĩa là tất cả là giống cái. Sau khi lươn con đã phát dục, bắt đầu đẻ trứng, trong buồng trứng dần dần biến đổi tổ chức tế bào sinh ra trứng trước đây biến đổi thành tinh hoàn sinh ra tinh trùng, lươn cái cũng liền biến thành lươn đực có thể phóng ra tinh trùng.
Đặc tính này của lươn được các nhà khoa học gọi là "đảo ngược giống". Lươn cái sau 1 lần đẻ, buống trứng sẽ chuyển hóa thành tinh hoàn, từ giống cái trở thành giống đực, vĩnh viễn không đẻ trứng nữa. Đối với cả một chủng tộc mà nói, mỗi năm đều có một lô lươn cái tiến hành đẻ trứng, vậy mỗi năm cũng lại có một tốp lươn đực hình thành, như vậy có thể bảo tồn sự tiếp tục của giống nòi.