Lớn lên trong "mái lạnh"
Mỗi đứa trẻ không thể chọn người làm cha mẹ, cũng không thể chọn nơi mình sinh ra. “Mái ấm” hay “mái lạnh” là do người lớn tạo ra cho con mình.
"Tuổi thơ dữ dội"
“Tôi nhớ mãi năm tôi học lớp Tám, một buổi chiều tan học, thằng bạn hàng xóm đứng trước cổng trường và la toáng: “Ê, cha mày có vợ bé, mày không nhục hả?”, kèm đó là một tràng cười khoái chí. Giây phút đó, tôi tối sầm mặt đi, nghẹn ứ ở cổ họng, chỉ biết đứng như trời trồng’’, K. Vân ngậm ngùi nhớ lại.
Nay, K.Vân, đã là sinh viên một trường cao đẳng, đã từng đắng cay gọi gia đình của mình bằng hai từ “mái lạnh”. Vân kể năm cô 12 tuổi, mẹ cô sinh em bé, cha cô bắt đầu ngoại tình. Từ đó, cha cô hầu như “vô can” với gia đình, một mình mẹ Vân vun vén nuôi nấng và dạy dỗ hai chị em bằng đồng lương giáo viên ít ỏi.
Nhìn lại quãng tuổi thơ, Vân chỉ nhớ những buổi cơm có mẹ và con; những đêm Vân sốt cao, chỉ mẹ đôn đáo đưa con đi khám; ngày Vân thi học sinh giỏi, ngày thi tốt nghiệp, những ngày nhập học… chỉ mẹ cạnh bên.
Từ khi cha ngoại tình, cô không còn có cha bên cạnh (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Lý giải cho sự thiếu vắng hình ảnh của người cha trong ký ức của mình, cô bảo: “Cha tôi bận đắm chìm trong những cuộc vui chơi tình cảm, hết người phụ nữ này đến người khác. Cha luôn nhẹ nhàng và phóng khoáng với những người phụ nữ bên ngoài, nhưng sẵn sàng cho mẹ và chúng tôi những trận đòn roi, lời chửi mắng’’.
Dù nhìn bề ngoài, gia đình của Vân vẫn đủ đầy cha mẹ, cha Vân vẫn ở cùng nhà, vẫn sáng dắt xe đi làm, tối khuya trở về - bình thường trước mắt hàng xóm, dòng họ. Thế nhưng, Vân bảo mấy mẹ con cô luôn trong bầu không gian lạnh tanh. Lạnh từ thái độ dửng dưng mà cha đối với hai đứa con gái, của những trận đòn roi, của nước mắt, của những mâm cơm chẳng được cha đụng đũa đến mà mẹ cô luôn chăm chút để phần. Sự lạnh lẽo cũng tới từ chính sự cam chịu đến nhu nhược của mẹ Vân. Bà gắng gượng mỗi ngày để con có cha, để hàng xóm không cười chê, dị nghị, để các con không phải chịu đựng cảnh sống dắt díu, tạm bợ... khi phải ra khỏi nhà.
Cũng chịu đựng những dư chấn từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ, cậu thanh niên tên Mai An (17 tuổi, Q.9, TP.HCM) xót xa nói rằng những năm tháng sống cùng gia đình là những ngày tháng ám ảnh của tuổi thơ em. Ký ức về cha mẹ trong em là những trận cãi vã, xô xát đến chảy máu, mặc kệ em gào khóc. Mẹ em bắt đầu ngoại tình và bỏ cha con An vào năm em chín tuổi. Từ đó cha em bắt đầu rượu chè, cờ bạc và đổ hết mọi thù hận lên đầu con.
Tuổi thơ của An là những trận đòn roi không cần lý do của cha, là những đêm khóc ướt hết gối vì nhớ mẹ. Trong những cuộc họp phụ huynh, chỗ của người thân An hầu như đều trống. Năm An 13 tuổi, cha em qua đời vì căn bệnh xơ gan. Khóa cửa nhà, gói ghém đồ đạc là vài bộ đồ tả tơi, em dọn về ở nhờ nhà bà nội.
“Người ta ước mơ này nọ lớn lao, em chỉ mong một lần được ăn bữa cơm vui vẻ cùng cha và mẹ. Mà giờ ước mơ đó cũng mãi chẳng thể thực hiện nữa rồi”, Nguyên An nói.
Người ta ước những gì lớn lao, em chỉ ước một bữa cơm vui vẻ (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Quá khứ đeo bám, ám ảnh
Vừa thèm khát tình thương của mẹ và thiếu vắng sự chăm sóc bảo bọc của cha, An lớn lên trong tâm thế bất cần và ngỗ ngược. Bà nội già yếu chẳng dạy bảo nổi đứa cháu đang tuổi dậy thì. 14 tuổi, An đã quen mặt ở các quán bia, địa điểm tụ tập ăn chơi. Không mục tiêu sống, không cần vươn lên, ngang tàng và ngoan cố, cậu thanh niên mới vào đời, tham gia vào bài bạc, theo đàn anh đi kiếm tiền…. Cười chua chát sau khi kéo một hơi thuốc dài, An nói:
“Em ước gì ngày đó mẹ đừng vì tình yêu riêng mà bỏ đi thì đời em có lẽ giờ đã khác’’.
Đối với K.Vân, việc thiếu sự đỡ đần của người cha buộc Vân phải ráng học hành để tự làm chỗ dựa cho mình, cho mẹ và em. Chính cha cô viết đơn ly hôn để ông bán nhà và ôm tiền đi cùng tình nhân. Vân chỉ còn biết an ủi mẹ: “Trong cái rủi có cái may”. Mấy mẹ con đều có sức khỏe. Em gái Vân cũng học giỏi. Mẹ vừa đi dạy, vừa bán hàng online. Họ ở nhà trọ không đủ tiện nghi, nhưng không còn phập phồng lo sợ uy quyền của người cha.
Dù đang tuổi yêu đương, bạn bè trang lứa đều đang tìm kiếm người yêu, Vân luôn từ chối những bạn trai đến với mình. Những ký ức về sự đổ nát và tổn thương của quá khứ chưa bao giờ thôi ám ảnh Vân. Cha mẹ cô cũng từng có một tình yêu đẹp thời sinh viên. Vân tâm sự rằng hình bóng của sự ngoại tình và vô tâm, lừa dối của cha được cô tô vẽ và áp đặt lên bạn trai, để rồi cô đành tạm biệt tình yêu của mình.
Mỗi cái cây chỉ có một bóng mát, cũng như một người cha, người mẹ không thể cùng lúc che chở cho nhiều mái gia đình. “Mái lạnh” làm sao có thể nuôi dưỡng những điều ấm áp cho tâm hồn con trẻ. Và những đứa trẻ lớn lên khuyết bóng mát của sự chở che ít nhiều đều gặp những tổn thương tâm lý trong tuổi thơ và kéo dài đến lúc trưởng thành.
Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM: Con không có gì phải sợ Chứng kiến cha hoặc mẹ đang trong một mối quan hệ khác, dù công khai hay che giấu, trẻ thường rơi vào trạng thái sợ hãi, cảm thấy cô đơn, bất lực, hình thành tâm lý chống đối cha, mẹ hoặc thậm chí dằn vặt bản thân: vì mình mà cha hoặc mẹ phải chịu cảnh này. Đứng trước mỗi tình huống trong cuộc sống, con người luôn có các cách phản ứng khác nhau theo ba nhóm cơ chế phòng vệ: nhóm cơ chế hung tính, nhóm cơ chế chạy trốn - rút lui, nhóm cơ chế thỏa hiệp - thay thế, vì vậy mỗi đứa trẻ sẽ luôn có những phản ứng riêng biệt trong cùng một hoàn cảnh phải sống trong “mái lạnh” gia đình. Tuy nhiên, trên tất cả, những đứa trẻ ấy luôn phải chịu những tổn thương như tâm trạng buồn bã kéo dài, tự ti nhút nhát, khó tập trung trong học tập, nguy cơ mắc hội chứng sợ kết hôn, có các hành vi chống đối hoặc bất thường trong quá trình phát triển nhân cách… Ngoại tình thường kéo theo bạo hành, để giải quyết bất hòa trong hôn nhân, theo tôi ly hôn chưa bao giờ được coi là giải pháp tích cực mà chỉ là sự lựa chọn cuối cùng nếu cuộc hôn nhân đó không thể hàn gắn. Phụ huynh hay lấy lý do “vì con” để kéo dài cuộc hôn nhân của họ, nhưng nếu họ tiếp tục sống với tình cảnh “mái lạnh”, không chỉ bản thân họ mà con cái còn chịu nhiều hệ lụy hơn. Khi ly hôn mà con cái vẫn nhận được sự kết nối, chăm sóc, yêu thương từ cha mẹ thì đời sống tinh thần trẻ vẫn phát triển bình thường, đặc biệt là lòng biết ơn, sự bao dung… Trong trường hợp cha mẹ không thể ly hôn, tôi nghĩ trẻ nên được cha mẹ giải thích rằng cha mẹ đã có sự lựa chọn riêng, con không có gì phải sợ. Thay vì khóc lóc, trách móc nhau, cha/mẹ nên tìm cách dạy con biết cách quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình, nhìn vấn đề theo góc tích cực. Những đứa trẻ tuổi thiếu niên nên có ít nhất một người hay một nhóm bạn thân để chia sẻ và hỗ trợ, để trẻ có thể thành thật với cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, có thể đưa trẻ đến các chuyên gia tham vấn, trị liệu tâm lý để được hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, cha/mẹ cũng hướng con cái có thể là chỗ dựa tinh thần cho cha/mẹ (là người đang chịu thiệt thòi về tinh thần trong mối quan hệ hôn nhân không hạnh phúc). Thay vì suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân, trẻ cần rút ra bài học từ mối quan hệ của cha mẹ để có cách hành xử văn minh và hợp tình hợp lý hơn trong mối quan hệ hôn nhân tương lai của mình. |
Cháu nên làm gì khi mẹ “bắt sống” đang xem phim người lớn?
Nếu bị cha mẹ “bắt sống” khi đang xem clip 18+, thì cháu nên làm gì? Theo bác sĩ thì vị thành niên có quyền riêng tư trên mạng không?
Theo www.phunuonline.com.vn