Lối thoát nào cho hàng trăm dự án BĐS “đắp chiếu” ở TP.HCM?
Sôi động thị trường M&A
Từ năm 2016 đến nay, thị trường M&A dự án BĐS tại TP.HCM nhộn nhịp hẳn lên khi không chỉ có doanh nghiệp (DN) trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng nhập cuộc. Những cái “bắt tay” đầy bất ngờ tạo ra sự hứng khởi cho thị trường, bằng chứng là nhiều dự án “chết lâm sàng” bỗng chốc được tái sinh nhờ dòng tiền mới mẻ.
Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2009 – 2013, tính riêng tại TP.HCM đã có hơn 14.000 căn hộ tồn kho. Để cân bằng tài chính, nhiều DN gặp khó khăn phải tìm cách chuyển nhượng dự án. Đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhảy vào cuộc chơi M&A dự án.
Địa ốc Hưng Thịnh được xem là DN gặt hái nhiều thành công thông qua những phi vụ M&A ngoạn mục. Có thể kể đến hàng loạt dự án ì ạch trước đây nhưng khi về tay của Hưng Thịnh liền mang sắc thái khác như Sky Center, Melody Residences, Richmond City, Saigon Mia, Lavita Garden, Florita… hay mới đây nhất là Moonlight Park View tiêu thụ rất tốt chỉ sau vài tháng mở bán.
Thị trường M&A dự án BĐS tại TP.HCM đang trở nên sôi động khi hàng loạt dự án ngưng trệ được "giải cứu" thành công. |
Không nằm ngoài cuộc chơi, Novaland cũng tranh thủ tận dụng thế mạnh của mình khi chỉ từ năm 2013 có 4 dự án thì đến nay đã nắm trong tay khoảng 40 dự án lớn nhỏ. Trong năm 2016, “đại gia” địa ốc phía Nam này đã bàn giao 6 dự án và năm nay dự kiến hoàn tất 10 dự án, đồng thời đang phát triển 24 dự án.
Có nguồn vốn dồi dào 200 triệu USD của Quỹ đầu tư Creed Group đến từ Nhật Bản rót vào, An Gia Investment đang trở thành thế lực trên thị trường M&A khi đã gom về 6 dự án. Mới đây, ông Lương Sĩ Khoa – Phó Chủ tịch HĐQT An Gia Investment tiết lộ, DN này vừa mua lại một phần dự án Lacasa ở Q7 từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Dự án này có quy mô 2.000 căn hộ được xây dựng trên khu đất rộng 6ha với tổng đầu tư 3.500 tỷ đồng.
“Sau khi mua lại các dự án, chúng tôi sẽ khai thác triệt để lợi thế về vị trí, cải thiện thiết kế, gia tăng thêm tiện ích cũng như điều chỉnh mức giá cho phù hợp với phân khúc khách hàng của mình”, ông Lương Sĩ Khoa chia sẻ và cho biết đây là cách mà An Gia Investment đã áp dụng cho 5 dự án M&A trước đó.
Bên cạnh đó còn nhiều cái tên đã và đang góp mặt trên thị trường mua bán và chuyển nhượng dự án BĐS như Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Đất Xanh Group…
Lợi thế cho “người đến sau”
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay, trong khoảng 1.200 dự án BĐS trên toàn địa bàn thành phố, hiện có khoảng 500 dự án bị ngừng triển khai trong nhiều năm bởi nhiều lý do mà phần lớn là do khâu giải phóng mặt bằng dở dang. Đây là “phần chìm của tảng băng hàng tồn kho”, ngốn một lượng lớn vốn của nhà đầu tư và tiềm ẩn nhiều hệ quả rủi ro cho thị trường.
Theo chủ tịch HoREA, nếu các nhà đầu tư vực dậy được các dự án “chết lâm sàng” như nói trên thông qua các thương vụ M&A thì sẽ có lợi rất nhiều lợi ích cho thị trường. Với số lượng lớn dự án bị ngưng trệ như thế, theo ông Châu, quan sát những tín hiệu tốt của thị trường M&A thời gian qua có thể kỳ vọng hàng tồn kho BĐS sẽ được kéo giảm, mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường nhà ở.
Dưới góc độ DN, ông Lương Sĩ Khoa cho rằng, trong các thương vụ M&A, DN mua lại sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Cụ thể, họ sẽ tiết kiệm được thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó nếu làm dự án mới sẽ rất tốn thời gian cho những thủ tục trên.
Ông Stephen Wyatt – TGĐ JLL Việt Nam dự đoán, 2017 là năm bùng nổ về các thương vụ M&A BĐS. Theo vị này, kinh tế Việt Nam dần được cải thiện với các chỉ số kinh tế tích cực và được công nhận là một trong những thị trường triển vọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.