Lo ngại lộ thông tin trẻ bị xâm hại trên mạng, nhiều gia đình 'ngậm bồ hòn làm ngọt'
Công nghệ, thông tin và truyền thông đã góp phần không nhỏ trong phát triển đời sống xã hội, bao gồm cả việc mau chóng tìm ra hung thủ của những vụ trọng án, trong đó có không ít vụ án xâm hại trẻ em khởi nguồn từ không gian mạng.
Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, cơ quan chức năng đã sớm đưa những kẻ có tội ra trước ánh sáng bằng cách trích xuất, truy vết, lưu giữ hình ảnh hoặc trực tiếp ghi hình. Đó là một nguồn chứng cứ cực kỳ quan trọng khiến kẻ có tội không thể chối cãi. Rất nhiều những vụ án xảy ra, nhờ camera giám sát của các hộ dân mà góp phần truy tìm hoặc củng cố thêm chứng cứ buộc tội kẻ gây án.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt tiêu cực, nhất là đối với những nạn nhân của những vụ bạo hành, xâm hại.
Chia sẻ tại hội thảo “Tập huấn về bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em” diễn ra vào ngày 15- 16/11 tại Hà Nội do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức, luật sư Trần Thu Thuỷ (Văn phòng Luật sư Thiên Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã chỉ ra một số những khó khăn khi tham gia tố tụng những vụ án xâm hại trẻ em.
Theo đó, nhiều vụ xâm hại trẻ em rơi vào “ngõ cụt” là bởi vì khả năng giữ bí mật thông tin của nạn nhân chưa được bảo đảm.
Điều này dẫn đến tâm lý người thân của nạn nhân sợ người khác biết chuyện hoặc gây phiền hà đến mình và ảnh hưởng đến tương lai của trẻ (và sự thật nó sẽ ảnh hưởng đến trẻ không chỉ một thời gian ngắn, mà nguy cơ ảnh hưởng và ám ảnh suốt cả cuộc đời), dẫn đến có thể có nhiều sự việc bị che giấu.
“Định kiến và kỳ thị đối với nạn nhân là một điều khó tránh khỏi trong một bộ phận của xã hội nếu như chúng ta không là những người, những nhân tố tích cực làm giảm đi những tác động xấu đó cho các em. Có thể có người cảm thương, chia sẻ nhưng những điều tiếng xì xào trong việc đã xảy ra với nạn nhân sẽ vẫn còn đeo đẳng.
Thông tin và truyền thông là một yếu tố tích cực có thể góp phần thúc đẩy sớm đưa tội ác ra chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có giới hạn, và chính giới hạn đó sẽ ngăn ngừa được việc thông tin của nạn nhân không bị đào xới, truy tìm trên mạng xã hội”, luật sư Thu Thuỷ cho hay.
Dẫn chứng điều này, bà Thuỷ nêu ví dụ: Thông tin về một trẻ bị xâm hại trên các báo, mạng xã hội có thể viết tắt tên, che mờ hình ảnh nhưng công khai bố mẹ của nạn nhân, vậy thì liệu thông tin của nạn nhân có còn giữ được bí mật hay không?
Bà Thuỷ nhận định: “Đó là một trong những nguyên nhân mà phụ huynh của những trẻ bị xâm hại không muốn trình báo trong một số trường hợp vì lo nguy cơ con em mình bị kỳ thị”.
“Với vai trò luật sư – những người bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, đồng thời vừa đối mặt với những mặt trái của xã hội, tôi mong rằng những vụ án bảo vệ nạn nhân của những vụ xâm hại nói chung, đặc biệt là trẻ em cần phải được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tạo điều kiện một cách cao nhất, thuận lợi nhất để sớm có thể đưa những tội phạm vô nhân tính ra ánh sáng. Chỉ có như vậy mới vơi đi phần nào nỗi đau cho các nạn nhân và gia đình”, luật sư Thu Thuỷ nói.
Theo luật sư Thu Thuỷ, khi một đứa trẻ trở thành nạn nhân của vụ xâm hại thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường và tương lai của trẻ, sẽ không tránh được sự mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị. Chính vì không vượt qua được những mặc cảm đó, có nạn nhân đã muốn tìm đến cái chết để được giải thoát vì không thể chịu được những tổn thương về thể chất cũng như tinh thần.
“Những luật sư như chúng tôi luôn mong muốn rằng trong chặng đường giúp các nạn nhân đòi lại lẽ công bằng và đưa những kẻ vô lương tâm, băng hoại về đạo đức ra ánh sáng luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng để cùng nâng cao trách nhiệm bảo vệ người yếu thế”, luật sư Thu Thuỷ nói.
Ngoài ra, luật sư Thu Thuỷ cũng kiến nghị các cấp ngành, nhà trường, gia đình cần tích cực tuyên truyền kiến thức pháp luật cũng như nâng cao ý thức và khả năng phòng vệ cho các em tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại.
N. Huyền