Lập kế hoạch vốn xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tổng hợp các khoản chi phí cấp bách phải chi trong năm 2015, báo cáo Thường trực Chính phủ.
Mô hình Bảo tàng lịch sử Quốc gia. |
Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng UBND thành phố Hà Nội để tổng hợp tài liệu, chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo Thường trực Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chuẩn bị báo cáo về Đề cương chi tiết, tiến độ thực hiện Dự án thành phần xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế hệ thống kỹ thuật, mỹ thuật trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo đảm khách quan, theo quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp, hướng dẫn Bộ Xây dựng lập kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo đảm khả thi, phù hợp Luật Đầu tư công, đồng thời cân đối, bổ sung kinh phí cho hoạt động năm 2015 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày.
UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai Dự án trên địa bàn, bảo đảm khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng của Dự án với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
Mục tiêu Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo lập một công trình văn hóa có tầm quan trọng, có ý nghĩa to lớn, lâu dài về chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa Việt Nam; trưng bày giới thiệu về lịch sử dân tộc, những thành tựu to lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước; về văn hóa và tài năng sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giáo dục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, góp phần vào việc đào tạo con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Đồng thời phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, di sản văn hóa, bảo tàng học và hưởng thụ văn hóa của công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.