Lãi vay sẽ giảm thêm 1-2%
Lãi vay sẽ về 13%/năm
Tháo gỡ khó khăn về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thể hiện quyết tâm sẽ đưa lãi suất cho vay về 13%/năm nhằm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. "Việc giảm trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1-12 tháng về 7,5%/năm từ mức 8%/năm sẽ là điều kiện cần để lãi suất cho vay hạ tiếp" - người đứng đầu NHNN nhấn mạnh.
Hiện tại, các lĩnh vực ưu tiên (gồm cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đang chỉ phải vay với lãi suất cao nhất là 12%/năm. Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác vay với lãi suất phổ biến ở 11-15%/năm đối với ngắn hạn, 14,6-17,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Ngay sau khi NHNN công bố hạ trần lãi suất huy động về 7,5%/năm, báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan đánh giá, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam, NHNN có thể giảm lãi suất khoảng 1-2% trong cả năm 2013.
Theo JP Morgan, dư địa giảm lãi suất của Việt Nam vẫn còn là dựa trên con số chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 âm 0,19% so với tháng trước.
![]() |
Lãi suất cho vay giảm về 13%/năm hoàn toàn có cơ sở Ảnh: Quỳnh Anh |
Cho rằng động thái giảm lãi suất huy động 0,5%/năm kỳ hạn ngắn của NHNN là bước đi hợp tình hợp lý, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu – cố vấn cấp cao NHTMCP An Bình nhấn mạnh, đây sẽ là cơ sở để lãi suất đầu ra sớm giảm nhiệt. Mức giảm này, theo ông có thể dao động trong khoảng 1-2%/năm, về mức 13%/năm là hoàn toàn có cơ sở.
Không bất ngờ trước động thái giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5%/năm của NHNN, TS. Vũ Đình Ánh cho hay ông đã tiên lượng được trước việc này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, lãi vay giảm nhiều hay ít này còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, nếu cầu vẫn ở mức thấp. "Dù lãi vay có giảm mạnh đi nữa, doanh nghiệp cũng không dám đụng đến", ông nói.
Lãi suất giảm chưa phải là tất cả
Nhận thông tin giảm trần huy động thêm 0,5%/năm, nhưng Tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội tỏ ra không mấy vui mừng. Vị Tổng giám đốc này cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh năm 2012 đã có khoảng 50% doanh nghiệp "chết" do sa lầy vào nợ ngân hàng không trả nổi, hàng tồn kho cao chất đầy trong kho không thể tiêu thụ do thị trường thu hẹp, trong khi toàn bộ tài sản thế chấp của doanh nghiệp lại "nằm chết" trong ngân hàng.
"Doanh nghiệp rơi vào thế luẩn quẩn, muốn vay vốn cũng chẳng được vì làm gì còn tài sản thế chấp mà vay, nên lãi suất dù có hạ chúng tôi cũng chẳng thấy vui" – ông nói.
Đồng tình, ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT Aprocimex phản ánh, thực trạng doanh nghiệp nói chung là rất khó khăn. Hàng nghìn doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ, doanh nghiệp nội thì không thể cạnh tranh nổi trên sân nhà do quy mô nhỏ, vốn ít, lãi suất vay cao lại không thể tiếp cận...
Đáng nói hơn là, lòng tin của doanh nghiệp vào chính sách hỗ trợ đang giảm sút một cách trầm trọng. "Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều, kêu cũng rất nhiều trong những lần gặp gỡ giữa doanh nghiệp và cơ quan điều hành, nhưng mọi việc đều dậm chân tại chỗ cả năm nay" – Tổng giám đốc Công ty Thép Bắc Việt, kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương thở dài.
Để lấy lại niềm tin của doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý đề xuất Chính phủ cần hạ ngay lãi suất cho vay xuống dưới 10% ngay trong quý 2/2013 để các doanh nghiệp có điều kiện trụ vững; cần giảm ngay 50% thuế thu nhập doanh nghiệp ngay chứ không phải chờ đến cuối năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng tồn kho đang dồn doanh nghiệp vào "thế chân tường", theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chỉ hạ lãi suất thôi chưa đủ để cứu doanh nghiệp, thị trường. "Muốn lãi suất cho vay hạ sâu thì còn phải chờ đợi thêm tình hình vĩ mô, cũng như những bước điều hành tiếp theo của NHNN. Nhưng nếu sức khỏe ngân hàng yếu, dự phòng rủi ro lớn, đầu ra khó khăn thì việc giảm lãi suất cho vay khó mà giảm sâu" – TS. Hiếu thẳng thắn.
Thêm vào đó, hạ lãi suất không có nghĩa doanh nghiệp sẽ "khỏe" được ngay. Nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, không có tài sản thế chấp, hàng tồn kho chất cao, thì theo tôi, với những doanh nghiệp này, Chính phủ nên bảo lãnh cho tổ chức tín dụng để họ cho những doanh nghiệp đó vay vốn.
"Việc hạ lãi suất lần này không tác động nhiều lắm tới lạm phát. Ngân hàng Nhà nước có các công cụ khác để điều tiết cung tiền qua thị trường mở, dự trữ bắt buộc. Trong lúc này, cầu trong nền kinh tế yếu, nên có đẩy lượng tín dụng ra ngoài nữa thì cũng không lo tác động mạnh tới lạm phát” – ông phân tích.